Kiến thức y học

Nguy cơ đột quỵ tăng đáng kể khi mắc tăng huyết áp và tăng cholesterol cùng lúc

Cập nhật lúc: 4:43:29 CH - 18/05/2024

Tăng huyết áp và tăng cholesterol là những yếu tố nguy cơ nghiêm trọng gây ra bệnh tim mạch, đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Tăng huyết áp và tăng cholesterol thường xảy ra cùng lúc. Chúng có thể phá hỏng mạch máu, làm tăng đáng kể nguy cơ biến chứng trong tương lai

 



 

Tăng huyết áp và tăng cholesterol là những yếu tố nguy cơ nghiêm trọng gây ra bệnh tim mạch, đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Tăng huyết áp và tăng cholesterol thường xảy ra cùng lúc. Chúng có thể phá hỏng mạch máu, làm tăng đáng kể nguy cơ biến chứng trong tương lai. Để ngăn ngừa nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, điều quan trọng là phải kiểm soát tốt mức cholesterol và huyết áp trong giới hạn bình thường.

 

Nguyên nhân nào khiến cholesterol tăng cao?

Cholesterol là một loại chất béo mà cơ thể cần để tạo ra các tế bào và một số loại hormone cần thiết cho cơ thể. Cholesterol do gan tạo ra và hấp thụ qua quá trình tiêu hóa thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như rau xanh, củ quả, các loại hạt… và động vật như thịt, cá, trứng, sữa và hải sản.

 

Cholesterol không hòa tan được trong máu và được vận chuyển đi khắp cơ thể dưới dạng các hạt gọi là lipoprotein. Lipoprotein mật độ thấp (LDL) thường được gọi là cholesterol xấu vì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Lipoprotein mật độ cao (HDL) được xem là cholesterol tốt vì làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

 

Yếu tố di truyền và lối sống là nguyên nhân làm tăng nồng độ cholesterol. Một số loại gen khác nhau có liên quan đến tình trạng này. Chế độ ăn uống nhiều cholesterol và chất béo bão hòa sẽ làm mức cholesterol tăng cao đáng kể. Lối sống ít vận động, không tập thể dục, hút nhiều thuốc lá và uống nhiều bia rượu cũng góp phần làm tăng mức cholesterol.

 

Một số bệnh lý và thuốc điều trị có thể làm tăng mức cholesterol, bao gồm:

  • Suy giáp, lượng hormone tuyến giáp thấp làm nồng độ cholesterol LDL tăng cao.
  • Hội chứng thận hư làm tăng nồng độ cholesterol LDL.

Một số loại thuốc điều trị bao gồm steroid, thuốc ức chế protease và một số loại thuốc tránh thai cũng có thể làm tăng cholesterol.

 

Mối quan hệ giữa tăng cholesterol và tăng huyết áp

Tăng huyết áp và tăng cholesterol đều làm tổn thương lớp lót bên trong lòng mạch máu, được gọi là nội mô.

Theo thời gian, sự tổn thương nội mô góp phần tích tụ các mảng cholesterol và thúc đẩy các tế bào viêm trong lòng mạch máu ở khắp cơ thể, tình trạng này được gọi là xơ vữa động mạch.

Tổn thương nội mô cũng dẫn đến việc điều hòa sự giãn nở mạch máu không đúng cách. Hậu quả là các động mạch bị cứng lại, thu hẹp và không co giãn như bình thường.

 

Sự phổ biến của tăng huyết áp và tăng cholesterol

Phần lớn mọi người đều biết rằng cả tăng huyết áp và tăng cholesterol đều góp phần gây xơ vữa động mạch và làm tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch như xuất hiện cơn đau tim, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Dường như có sự tương tác khá phức tạp giữa tăng cholesterol và tăng huyết áp.

Có một điều chắc chắn rằng khi các yếu tố tăng huyết áp và tăng cholesterol xảy ra cùng nhau, chúng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch. Điều trị tăng cholesterol ở người bệnh đã được điều trị tăng huyết áp có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ mắc các biến cố tim mạch. Điều này chứng tỏ rằng điều trị tăng huyết áp và tăng cholesterol khi chúng xảy ra cùng nhau rất quan trọng.

Hơn nữa, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng tăng cholesterol có liên quan và góp phần gây ra tăng huyết áp sau này. Điều quan trọng là phải xác định và điều trị các yếu tố nguy cơ khác khi có một trong hai yếu tố này.

 

Các rủi ro sức khỏe tiềm ẩn khi mắc đồng thời tăng huyết áp và tăng cholesterol

Mức cholesterol và huyết áp tăng cao được xem là những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra cơn đau tim, đột quỵ và nhồi máu cơ tim vì chúng góp phần gây ra chứng xơ vữa động mạch.

Xơ vữa động mạch là sự tích tụ mảng bám trong lòng mạch máu. Tùy thuộc vào các mạch máu bị ảnh hưởng, tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe khác nhau. Phát hiện xơ vữa động mạch ở một động mạch nào đó, điều đó có nghĩa bạn cũng có thể có nguy cơ bị tắc nghẽn ở các động mạch khác trong cơ thể.

Các biến chứng của xơ vữa động mạch bao gồm:

  • Xơ vữa động mạch vành: Đây là tình trạng tích tụ mảng bám trong động mạch nuôi tim. Điều này có thể dẫn đến cơn đau tim, suy tim, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thậm chí dẫn đến tử vong.
  • Bệnh động mạch ngoại biên: Đây là tình trạng tích tụ mảng bám trong động mạch ở chân, có thể gây ra chứng đau cách hồi hoặc đau chân khi đi bộ và giảm bớt khi nghỉ ngơi. Sự tắc nghẽn này có thể dẫn đến thiếu máu cục bộ ở chân do không có đủ lưu lượng máu đến cẳng chân và bàn chân, dẫn đến những vết thương lâu lành hoặc khó lành.
  • Xơ vữa động mạch cảnh: Đây là tình trạng mảng bám trong động mạch cảnh ở cổ có thể gây gián đoạn lưu lượng máu, làm mạch máu vỡ ra và di chuyển đến não, dẫn đến đột quỵ.
  • Thiếu máu cục bộ mạc treo: Đây là tình trạng mảng bám trong các mạch máu cung cấp cho đường ruột dẫn đến lưu lượng máu kém, gây đau sau khi ăn.

 

Kiểm soát tăng huyết áp và tăng cholesterol

Một số thay đổi trong lối sống có tác động lớn đến việc giảm huyết áp và cholesterol. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thay đổi lối sống là không đủ để giảm huyết áp và cholesterol mà bác sĩ cần chỉ định dùng thuốc.

Sống một lối sống năng động có thể giúp kiểm soát huyết áp và mức cholesterol ổn định. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần như đi bộ, đạp xe hoặc bơi lội.

 

Chế độ ăn kiêng giúp giảm huyết áp và cholesterol

Điều quan trọng không kém so với tập thể dục giúp giảm huyết áp và cholesterol là có một chế độ ăn uống lành mạnh tốt cho sức khỏe tim mạch. Theo khuyến cáo của AHA, mục tiêu giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch với chế độ ăn ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, ít thực phẩm có đường và thực phẩm chế biến sẵn, tăng lượng thực phẩm sau đây gồm:

  • Trái cây
  • Rau xanh
  • Đậu
  • Các loại hạt
  • Các loại ngũ cốc

 

Giảm cân giúp giảm huyết áp và cholesterol.

Khi thay đổi lối sống không đủ để giảm huyết áp và cholesterol, bác sĩ phải kê đơn thuốc điều trị theo từng tình trạng cụ thể.

Statin là một loại thuốc giảm cholesterol hiệu quả. Đây là loại thuốc thường được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị giúp giảm mức cholesterol LDL hơn 50%. Hiện nay có nhiều loại thuốc hiệu quả và dung nạp tốt để hạ huyết áp. Bác sĩ sẽ giúp bạn quyết định lựa chọn loại thuốc điều trị phù hợp.

 

Tăng cholesterol làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, tăng huyết áp kết hợp tăng cholesterol sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ này. Điều quan trọng là phải kiểm soát mức cholesterol và huyết áp thường xuyên, duy trì lối sống lành mạnh và dùng thuốc theo đúng chỉ định hướng dẫn của bác sĩ.

 

Tăng huyết áp và tăng cholesterol có thể không có bất kỳ triệu chứng cảnh báo nào ở giai đoạn khỏi phát. Vì vậy, bạn nên chủ động tầm soát tăng huyết áp và tăng cholesterol qua việc thăm khám sức khỏe định kỳ, theo dõi sát khi chúng xảy ra cùng nhau. Một lối sống lành mạnh bao gồm tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh tốt cho sức khỏe tim mạch, tác động tích cực trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ trong tương lai.

 

Thực tế cho thấy thói quen khám sức khỏe tổng quát định kỳ đều đặn mỗi 6 tháng hoặc 12 tháng kết hợp tầm soát sớm bệnh lý mạn tính, trong đó có tầm soát tăng huyết áp và nồng độ cholesterol giúp bạn hiểu rõ nguy cơ mắc bệnh và có biện pháp ngăn ngừa bệnh tật hiệu quả.

 

Các gói khám tầm soát sức khỏe đang có sẵn tại Bệnh viện An Sinh: 

 

 

Bệnh viện An Sinh

Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn 

(*) Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

 

 

Bệnh viện An Sinh trong nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ ngày càng tốt hơn, chúng tôi triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) giúp bạn chủ động quản lý thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí thăm khám.

 

 

  

Các tin tức khác:
[Trở về]