Kiến thức y học

4 triệu chứng khó chịu chứng tỏ cho một thai kỳ khỏe mạnh

Cập nhật lúc: 4:33:13 CH - 22/06/2023

Mang thai không phải là cuộc dạo chơi, một chuyến đi kỳ thú và hấp dẫn. Đó là một cuộc hành trình hạnh phúc với nhiều trải nghiệm mới mẻ nhưng cũng cần chuẩn bị sẵn tinh thần khi phải đối diện với các triệu chứng mang thai rất khó chịu

 



 

Mang thai không phải là cuộc dạo chơi, một chuyến đi kỳ thú và hấp dẫn. Đó là một cuộc hành trình hạnh phúc với nhiều trải nghiệm mới mẻ nhưng cũng cần chuẩn bị sẵn tinh thần khi phải đối diện với các triệu chứng mang thai rất khó chịu.

 

Tùy tình trạng sức khỏe và cơ địa mỗi mẹ mà các triệu chứng mang thai có thể xuất hiện sớm ngay ở 3 tháng đầu thai kỳ hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, các triệu chứng mang thai cũng có thể xuất hiện trong suốt cả thời gian mang thai. Ba mẹ hãy cảm thấy vui vì những triệu chứng khó chịu này là tín hiệu tốt cho một thai kỳ đang phát triển khỏe mạnh.

 

Sau khi được bác sĩ thăm khám xác định đã có thai, bên cạnh việc thăm khám và theo dõi sức khỏe mang thai theo định kỳ, ba mẹ cũng cần lưu ý nhiều hơn tới sức khỏe, lối sống, thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng, vận động thể chất, thường xuyên quan sát và lắng nghe cơ thể để nhận biết những sự thay đổi của cơ thể. 

 

Có nhiều ba mẹ hồi hộp lo lắng, nhất là với những chưa từng trải qua thai kỳ trước thắc mắc Làm thế nào có thể đoán biết con vẫn đang khỏe mạnh và phát triển tốt trong bụng mẹ khi chưa đến ngày khám thai định kỳ.

 

Ba mẹ đừng quá lo lắng, cơ thể là một bộ máy hoàn hảo và trở nên vô cùng nhạy cảm khi mẹ mang thai. Chúng sẽ liên tục đưa ra rất nhiều tín hiệu cho ba mẹ nhận thấy cơ thể mẹ sẽ có những sự thay đổi nhất định để thích ứng với việc mang thai, thai kỳ đang phát triển như thế nào, em bé sẽ lớn lên ra sao cho đến khi chào đời.

 

Mặc dù mỗi cơ thể mẹ mỗi khác, những tín hiệu thai kỳ ở mỗi mẹ cũng sẽ không giống nhau nhưng đây là 4 dấu hiệu phổ biến báo hiệu một thai kỳ khỏe mạnh thường gặp nhất ở hầu hết các mẹ mang thai. 

 

 

Cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường 

 

Mệt mỏi khó chịu khi mang thai là điều hoàn toàn bình thường và khá phổ biến. Tình trạng này xuất hiện nhiều khi mẹ mang thai 3 tháng đầu và mang thai 3 tháng cuối, cũng có thể kéo dài suốt 40 tuần mang thai. Một số mẹ cảm thấy mệt mỏi đến kiệt sức, luôn cảm thấy bản thân thiếu sức sống. Một số mẹ hoàn toàn không có cảm giác mệt mỏi khó chịu nào.

 

Cho dù trạng thái này diễn ra như thế nào đi chăng nữa thì mệt mỏi khó chịu vẫn là một phần không thể thiếu của thai kỳ. Ba mẹ nên cảm thấy vui mừng khi cơ thể mẹ đang trải qua những sự thay đổi cần thiết để thích ứng với việc mang thai do sự thay đổi nội tiết và quá trình trao đổi chất để đảm bảo cung cấp dưỡng chất cần thiết cho một thai kỳ khỏe mạnh và em bé đang lớn dần lên trong bụng mẹ. 

 

 

Ốm nghén, nhạy cảm với mùi

 

Ốm nghé được hiểu một cách đơn giản là tình trạng buồn nôn, nôn, xuất hiện nhiều lần trong ngày. Triệu chứng ốm nghén khi mang thai thường bắt đầu rất sớm từ tuần thứ 4 đến tuần thứ sáu khi cơ thể mẹ bắt đầu mang thai. Đây được xem là dấu hiệu sớm nhất của thai kỳ. Tình trạng ốm nghén thường sẽ giảm dần sau 3 tháng đầu mang đầu hoặc mức độ ốm nghén tăng cùng tuối thai và khó kiểm soát. Dường như cơ thể mẹ sẽ trở nên vô cùng mệt mỏi khi tìm mọi cách chống lại các cơn buồn nôn, nôn nhưng ốm nghén là một phần gắn liền với một thai kỳ khỏe mạnh.

 

Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân của ốm nghén nhưng bác sĩ cho rằng tình trạng ốm nghén khi cơ thể mẹ mang thai là do sự gia tăng của nồng độ hormone hCG, một loại nội tiết được sản sinh bởi nhau thai sau khi cơ thể đã thụ thai. Hormone hCG được tìm thấy trong một số xét nghiệm chẩn đoán mang thai, phổ biến là xét nghiệm beta-hCG. Nghiên cứu khoa học còn cho rằng ốm nghén thai kỳ sẽ giúp thai nhi khỏe mạnh hơn, mẹ hiếm gặp biến chứng thai kỳ, sảy thai hoặc sinh non, thậm chí là em bé còn có chỉ số thông minh cảm xúc cao hơn khi chào đời.

 

 

Ngực sưng đau và kích thước thay đổi 

 

Sự thay đổi vùng ngực là sự thay đổi của tuyến vú trong suốt quá trình mang thai và sau khi sinh để mẹ chuẩn bị nguồn sữa cho bé bú mẹ sau sinh. Quá trình thay đổi này do sự gia tăng đáng kể của nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể mẹ mang thai, khiến ngực mẹ sưng đau, căng tức, kích thước ngực lớn hơn so với bình thường, thay đổi màu sắc núm vú và quầng vú, các tuyến Montgomery cũng tăng đáng kế. Đây là một tín hiệu tốt của cơ thể cho thấy mẹ đang thích nghi thuận lợi với việc mang thai.

 

Khi thai được 16 tuần tuổi, ngực mẹ đã có thể sản xuất sữa. Mẹ sẽ cảm nhận được có một chút sữa non rỉ ra từ núm vú bắt đầu từ thời gian này. Nếu điều này làm mẹ cảm thấy khó chịu thì mẹ có thể dùng một miếng vải lót đặt bên trong áo ngực, sử dụng loại áo ngực mỏng, chất liệu cotton thấm hút tốt sẽ mang đến cho mẹ cảm giác dễ chịu và thoải mái hơn. Một chút lưu ý nhỏ dù rất hiếm gặp nhưng mẹ cũng không nên chủ quan, tự khám vú hàng tháng trong thời gian mang thai để nhận biết sớm sự thay đổi khác thường. 

 

 

Tăng dịch tiết âm đạo 

 

Khi mang thai, cơ thể mẹ trải qua nhiều thay đổi, kể cả sự thay đổi âm đạo. Tăng tiết dịch âm đạo là một trong những thay đổi đáng chú ý nhất khi mang thai, có thể diễn ra trong suốt thời gian mang thai do nồng độ hormone estrogen và progestorone tăng cao. Sự gia tăng lượng máu và lưu lượng máu cũng có thể góp phần làm tăng tiết dịch âm đạo. Dịch tiết âm đạo là một loại chất lỏng, màu trắng trong, không mùi. Dịch tiết âm đạo có thể xuất hiện nhiều hơn trong những tuần cuối của thai kỳ, dịch tiết có thể chứa chất nhầy màu hồng, đặc và dính, đó là khi cơ thể có dấu hiệu chuẩn bị chuyển dạ.

 

Dịch tiết âm đạo không chỉ là dấu hiệu của một thai kỳ phát triển tốt mà còn giúp làm sạch và ngừa nhiễm khuẩn âm đạo xâm nhập vào lòng tử cung của mẹ và bảo vệ em bé luôn khỏe mạnh. Nhiễm khuẩn âm đạo là một tình trạng thường gặp trong thời kỳ mang thai, một phần do sự thay đổi nội tiết tố làm thay đổi độ cân bằng pH của âm đạo.

 

 

Mang thai là một hành trình khó nhọc nhưng chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc hạnh phúc. Khi hiểu được rằng các triệu chứng không mấy dễ chịu trong suốt thời gian mang thai là một phần cần thiết cho một thai kỳ phát triển tốt sẽ giúp ba mẹ có nhiều trải nghiệm đáng nhớ hơn.

 

Chúc ba mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và yên vui. 

 

 

Bệnh viện An Sinh 

Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh. Tất cả dữ liệu kết quả khám sức khỏe, các xét nghiệm và hình ảnh chẩn đoán lưu trữ lâu dài trên hệ thống PACS được kết nối với bệnh án điện tử. Bạn chủ động quản lý thông tin sức khỏe, thuận tiện cho việc theo dõi, so sánh kết quả với lần thăm khám tiếp theo để có hướng cải thiện và nâng cao sức khỏe tổng thể tốt hơn. 

 

 

  

 

Các tin tức khác:
[Trở về]