Kiến thức y học

Tuổi tác ảnh hưởng tới khả năng sinh sản như thế nào?

Cập nhật lúc: 1:50:42 CH - 31/05/2023

Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng hiếm muộn là một trong ba bệnh lý nguy hiểm sau tim mạch và ung thư. Nguyên nhân bắt nguồn từ lối sống, thói quen sinh hoạt và làm việc không lành mạnh, chế độ ăn uống không đảm bảo và tình trạng căng thẳng kéo dài thường xuyên.

 



 

Cuộc sống hiện đại mang đến cho chúng ta nhiều tiện ích công nghệ nhưng cũng lấy đi sức khỏe và hạnh phúc của cuộc sống bình thường. Thực tế cho thấy nguy cơ phát triển các bệnh lý đang có xu hướng tăng nhanh và trẻ hóa. Bạn có nhận thấy điều đó không?

 

Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng hiếm muộn là một trong ba bệnh lý nguy hiểm sau tim mạch và ung thư. Nguyên nhân bắt nguồn từ lối sống, thói quen sinh hoạt và làm việc không lành mạnh, chế độ ăn uống không đảm bảo và tình trạng căng thẳng kéo dài thường xuyên.

 

Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho vợ chồng bạn những thông tin cơ bản về ảnh hưởng của tuổi tác đến sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe sinh sản để vợ chồng bạn có sự chuẩn bị tốt hơn khi sẵn sàng chào đón những thiên thần nhỏ. Mong là những thông tin này sẽ hữu ích cho vợ chồng bạn.

 

Ở người, khả năng sinh sản khỏe mạnh nhất chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Độ tuổi thụ thai tự nhiên tốt nhất là trong khoảng từ 25 tuổi đến trước 35 tuổi. Thời điểm này, sức khỏe tổng thể ổn định, chất lượng trứng và tinh trùng đều rất tốt, khả năng thụ thai thành công dễ dàng, ít gặp biến chứng thai kỳ, quá trình mang thai khỏe mạnh và thuận lợi hơn.

 

Cơ hội thụ thai tự nhiên ở bố mẹ có độ tuổi từ 25 tuổi đến trước 35 tuổi khoảng từ 30% đến 80% mỗi tháng, cơ hội thụ thai giảm dần sau tuổi 35, đến 40 tuổi thì trong bất kỳ chu kỳ hàng tháng chỉ khoảng 5%.

 

Tuổi của bố mẹ được xem là yếu tố quan trọng nhất vì liên quan trực tiếp đến chất lượng trứng và tinh trùng được thụ tinh để tạo thành phôi thai khỏe mạnh. Theo đó, tuổi của bố mẹ càng cao thì khả năng thụ thai tự nhiên càng giảm, khả năng phải can thiệp các kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cũng tăng lên.

 

 

Vì sao khả năng sinh sản lại có mối quan hệ với tuổi tác?

 

Ở cả nam giới và nữ giới, khả năng sinh sản sẽ bắt đầu sau khi kết thúc giai đoạn dậy thì. Nữ giới được đánh dấu bằng cách xuất hiện chu kỳ kinh hàng tháng, quá trình rụng trứng diễn ra thường xuyên và kết thúc khả năng sinh sản khi bước vào thời kỳ mãn kinh.

 

Ngày nay, hiếm muộn do tuổi tác rất phổ biến bởi nhiều lý do, trong đó đáng lưu ý là nhiều người có xu hướng kết hôn trễ, lập gia đình muộn khi đã qua độ tuổi thụ thai tốt nhất. Mặc dù, đàn ông và phụ nữ hiện đại có nền tảng kiến thức về chăm sóc sức khỏe tốt hơn nhưng không thể duy trì khả năng sinh sản tự nhiên suốt đời, do chất lượng dự trữ buồng trứng và tinh trùng suy giảm đáng kể cùng với tuổi tác. Thậm chí trong một số trường hợp, sự suy giảm dự trữ buồng trứng diễn ra nhanh hơn khi vẫn đang trong độ tuổi trưởng thành.

 

Điều dễ nhận biết là chu kỳ kinh sẽ diễn ra đều đặn có liên quan đến quá trình rụng trứng đều đặn hàng tháng khi đang trong độ sinh sản. Trứng được phát triển bên trong một cơ quan hình cầu chứa đầy chất lỏng được gọi là nang trứng. Vào đầu mỗi chu kỳ kinh khi nữ giới có kinh, có một loại hormone do tuyến yên sản xuất sẽ kích thích một nhóm nang trứng phát triển nhanh hơn trên cả hai buồng trứng. Hormone tuyến yên kích thích buồng trứng gọi là hormone kích thích nang trứng (FSH). Thông thường, mỗi chu kỳ sẽ chỉ có duy nhất một trong số các nang noãn trưởng thành và phóng thích ra trứng, được gọi là quá trình rụng trứng, phần còn lại sẽ ngừng phát triển và thoái hóa dần.

 

Mang thai là kết quả của quá trình thụ tinh diễn ra thành công giữa tinh trùng và trứng tạo thành hợp tử làm tổ trong niêm mạc tử cung. Nếu quá trình thụ thai không diễn ra, niêm mạc tử cung sẽ tự bong ra để chuẩn bị cho một chu kỳ kinh mới.

 

Ở tuổi thiếu niên, chu kỳ kinh thường không đều vì cơ thể chưa thích nghi với sự thay đổi để trưởng thành. Đến một độ tuổi nhất định, khoảng 16 tuổi, quá trình rụng trứng sẽ ổn định hơn kéo theo chu kỳ kinh cũng đều đặn hơn. Khoảng 40 tuổi, chu kỳ kinh bắt đầu trở nên ngắn và thưa dần cho đến 51 tuổi, độ tuổi mãn kinh phổ biến, không có kinh trong vòng một năm được xem là đã mãn kinh.

 

Khả năng sinh sản ở nam và nữ giới sẽ thay đổi và suy giảm một cách tự nhiên theo tuổi tác, quá trình này sẽ được diễn ra trong buồng trứng. Điều cần lưu ý, nếu đang trong độ tuổi sinh sản không có kinh, chu kỳ kinh không đều, lượng kinh bất thường thì cần thăm khám và tư vấn bác sĩ ngay.

 

 

Khả năng sinh sản ở nam giới và nữ giới có sự khác biệt như thế nào? 

Đối với nam giới, khả năng sinh sản có thể kéo dài suốt cả cuộc đời vì có thể sản xuất và tạo mới tinh trùng thường xuyên. Trong khi ở nữ giới, sinh ra đã được mặc định với số lượng trứng cố định trong các nang, khoảng một triệu nang trứng. Đến tuổi dậy thì, các nang trứng sẽ ở mức 300.000 nang noãn nhưng chỉ có khoảng 300 nang noãn phát triển và rụng dần trong những năm sinh sản.

 

Khả năng sinh sản tốt nhất của nữ giới vào độ tuổi 25 tuổi đến trước 35 tuổi. Mỗi tháng, một người phụ nữ sức khỏe tốt 30 tuổi có 20% cơ hội mang thai mỗi tháng, phụ nữ có sức khỏe tốt có 5% cơ hội mang thai mỗi tháng. Khi bước vào thời kỳ mãn kinh, phụ nữ không còn khả năng sinh sản nữa, độ tuổi mãn kinh trung bình ở nữ giới khoảng 51 tuổi.

 

Khả năng mang thai thành công không chỉ đúng với thụ thai tự nhiên mà còn đúng với mang thai bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Cơ thể mẹ khỏe mạnh thì thai kỳ cũng thuận lợi hơn.

 

Đã có rất nhiều cặp vợ chồng tin rằng có thể mang thai thành công nhờ sự can thiệp của một trong các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, các bằng chứng nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng tuổi của người mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến tỷ lệ thành công do mối liên quan mật thiết giữa tuổi và khả năng sinh sản, suy giảm dự trữ buồng trứng cả về số lượng và chất lượng, dẫn đến suy giảm chất lượng phôi, tăng nguy cơ bất thường phôi, bất thường nhiễm sắc thể, ảnh hưởng bất lợi tới môi trường cho phôi làm tổ và phát triển trong lòng tử cung của người mẹ.

 

 

Chất lượng trứng và tinh trùng là yếu tố quyết định phôi thai khỏe mạnh và thụ tinh thành công

 

Nhiều cặp vợ chồng hiểu chưa đúng về thụ tinh trong ống nghiệm thành công khi cho rằng số lượng trứng và tinh trùng càng nhiều thì khả năng thụ thai càng cao, ngược lại sẽ khó thụ thai hơn. Sự thật chất lượng trứng và tinh trùng mới là yếu tố tiên quyết để tạo những em bé phôi khỏe mạnh, có tiềm năng phát triển và sinh sống tốt trong lòng tử cung của người mẹ cho đến khi chào đời.

 

Theo các bằng chứng khoa học, sau tuổi 40, khả năng mang thai ở cả nam giới và nữ giới đều giảm với tốc độ rất nhanh, nguy cơ sảy thai cùng rủi ro thai kỳ cũng cao hơn. Sự thay đổi đáng kể trong chất lượng trứng và tinh trùng là xuất hiện ngày càng nhiều bất thường di truyền được gọi là dị bội thể, có quá nhiều hoặc quá ít nhiễm sắc thể trong trứng và tinh trùng.

 

Khi quá trình thụ tinh diễn ra, một quả trứng khỏe mạnh bình thường chứa 23 nhiễm sắc thể kết hợp với một tinh trùng khỏe mạnh bình thường cũng chứa 23 nhiễm sắc thể thì sẽ tạo thành hợp tử khỏe mạnh bình thường với 46 nhiễm sắc thể. Điều đó có nghĩa nếu sự thụ tinh diễn ra khi trứng và tinh trùng có số lượng nhiễm sắc thể bất thường tăng lên thì hợp tử cũng sẽ có số lượng nhiễm sắc thể bất thường tương tự.

 

Theo tự nhiên, nữ giới bắt đầu mất nguồn dự trữ buồng trứng, số lượng trứng suy giảm khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, khoảng 45 tuổi, để chuyển tiếp sang thời kỳ mãn kinh, không kinh theo chu kỳ hàng tháng.

 

Nữ giới được sinh ra với số lượng các nang trứng cố định, không tăng lên mà chỉ giảm dần qua các chu kỳ kinh trong suốt cuộc đời. Khi các nang trứng trong buồng trứng ít dần đi, chúng càng trở nên ít nhạy cảm hơn với sự kích thích của hormone FSH, một loại nội tiết giúp cân bằng quá trình sinh sản của cơ thể, do đó chúng cần nhiều sự kích thích hơn để có thể trưởng thành và bước vào giai đoạn rụng trứng.

 

Lúc đầu, các chu kỳ kinh có thể diễn ra trong khoảng thời gian từ 21 đến 25 ngày. Sau đó, các chu kỳ kinh kéo dài và không đều do các nang trứng không đáp ứng tốt với sự kích thích phát triển và rụng trứng. Khả năng dự trữ buồng trứng suy giảm không chỉ bởi tuổi tác do quá trình rụng trứng tự nhiên mà còn do chất lượng trứng còn lại suy giảm.

 

Ngoài ra, một số yếu tố lối sống và thói quen khác cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đế khả năng dự trữ buồng trứng ở những người phụ nữ trẻ bao gồm hút thuốc lá, bệnh sử gia đình mãn kinh sớm, bệnh lý phụ khoa, bệnh mạn tính, đã từng phẫu thuật tử cung hoặc buồng trứng.

 

Có sự khác nhau về thời điểm bắt đầu cũng như tốc độ suy giảm trứng và tinh trùng ở từng người. Thông thường, hiện tượng này bắt đầu trước khi bước vào thời kỳ mãn kinh, khả năng sinh sản suy giảm dần ở tuổi 35 và suy giảm mạnh mẽ sau tuổi 40.

 

Lời khuyên của bác sĩ dành cho các cặp vợ chồng vì bất kỳ lý do nào muốn trì hoãn hoặc chủ động sinh con sau tuổi 35 vẫn cần duy trì khám sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm, tầm soát nguy cơ bệnh lý.

 

Vợ chồng bạn cần thăm khám bác sĩ ngay nếu đang mong con sau 6 tháng đến 1 năm mà vẫn chưa có em bé dù không ngừa thai để được tư vấn cụ thể các giải pháp can thiệp hỗ trợ sinh sản hiệu quả. Từ đó, vợ chồng bạn có thêm sự tự tin và sẵn sàng đưa ra quyết định tốt nhất theo nhu cầu và mục tiêu cá nhân, ngay cả lựa chọn phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản như trữ đông phôi, trứng và tinh trùng để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho mục đích sinh những em bé khỏe mạnh và đáng yêu trong tương lai.

 

 

 

Bệnh viện An Sinh

Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ 

 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh. Tất cả dữ liệu kết quả khám sức khỏe, các xét nghiệm và hình ảnh chẩn đoán lưu trữ lâu dài trên hệ thống PACS được kết nối với bệnh án điện tử. Bạn chủ động quản lý thông tin sức khỏe, thuận tiện cho việc theo dõi, so sánh kết quả những lần thăm khám tiếp theo để có hướng cải thiện và nâng cao sức khỏe tổng thể tốt hơn.

 

 

 

  

Các tin tức khác:
[Trở về]