Kiến thức y học

Điện tim cơ bản (ECG) thông tin bạn cần biết

Cập nhật lúc: 3:25:25 CH - 24/05/2023

Điện tâm đồ, hay còn gọi là điện tim (ECG), là một kỹ thuật phổ biến giúp theo dõi hoạt động của trái tim gồm tốc độ, nhịp điệu và những thay đổi của dòng điện trong tim. Đây là một trong những xét nghiệm đơn giản và cho kết quả nhanh nhất được sử dụng để đánh giá hoạt động của chức năng tim mạch 

 



 

Điện tâm đồ, hay còn gọi là điện tim (ECG), là một kỹ thuật phổ biến giúp theo dõi hoạt động của trái tim gồm tốc độ, nhịp điệu và những thay đổi của dòng điện trong tim. Đây là một trong những xét nghiệm đơn giản và cho kết quả nhanh nhất được sử dụng để đánh giá hoạt động của chức năng tim mạch.

 

Trong y học, kết quả đo điện tim giúp bác sĩ phát hiện nguy cơ tiềm ẩn và chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim…

 

Các điện cực với miếng nhựa nhỏ có thể bám dính trên bề mặt da, được gắn ở một số điểm nhất định trên vùng ngực, cánh tay và chân. Các điện cực được kết nối với máy đo điện tim bằng các dây dẫn. Mọi hoạt động co giãn của trái tim tạo ra những xung điện do các tế bào cơ tim sẽ được máy đo điện tim diễn giải và ghi lại dưới dạng hình ảnh đồ thị thông qua các điện cực được tiếp nhận trên bề mặt da.

 

Bác sĩ đọc kết quả điện tim có thể biết được nhịp tim đập nhanh hay chậm, có ổn định hay không, khoảng nghỉ giữa các nhịp đập như thế nào, có sự thay đổi bất thường nào hay không… Từ đó có thể đưa ra đánh giá các vấn đề sức khỏe khác nhau có liên quan trực tiếp đến sức khỏe tim mạch.

 

 

Khi nào bác sĩ cho chỉ định đo điện tim? 

Bác sĩ chỉ định đo điện tim khi có một trong những yếu tố nguy cơ liên quan đến tim mạch sau đây:

  • Xác định nguyên nhân cơn đau ngực
  • Đánh giá tình trạng sức khỏe có dấu hiệu tim mạch như mệt mỏi thường xuyên, khó thở, chóng mặt, ngất xỉu
  • Xác định nhịp tim có đều hay không
  • Đánh giá sức khỏe tổng thể trước khi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật và sau khi điều trị các tình trạng tim mạch như đau tim, nhồi máu cơ tim, nhiễm trùng tim
  • Kiểm tra hoạt động của máy tạo nhịp tim được cấy ghép trong cơ thể
  • Đánh giá hiệu quả của một số loại thuốc điều trị huyết áp, tim mạch
  • Khám sức khỏe tổng quát định kỳ, kiểm tra chức năng tim cơ bản, có thể sử dụng để so sánh với các kết quả điện tim trong tương lai. 

Ngoài ra, bác sĩ còn chỉ định đo điện tim cho người cao tuổi, người có nguy cơ tim mạch cao, người có các bệnh lý nền tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… để hỗ trợ cho việc theo dõi và chẩn đoán điều trị. 

 

 

Đo điện tim có gặp phải rủi ro gì không?

Đo điện tim (ECG) là một cách dễ dàng và nhanh chóng để đánh giá chức năng tim mạch mà không có bất kỳ rủi ro nào trong quá trình đo điện tim, chỉ có chút bất tiện trong việc gắn và tháo các điện cực được nối với các dây dẫn với máy đo điện tim. Một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến kết quả đo điện tim như:

  • Thể trạng thừa cân, béo phì
  • Phụ nữ đang mang thai
  • Cử động, nói chuyện trong lúc đo điện tim
  • Tập thể dục hoặc hút thuốc lá trước khi đo điện tim
  • Một số loại thuốc điều trị có thể làm nhịp tim thay đổi
  • Mất cân bằng điện giải, quá nhiều hoặc quá ít kali, magiê hoặc canxi trong máu

 

 

Cần chuẩn bị gì trước khi đo điện tim? 

Bác sĩ và điều dưỡng thực hiện đo điện tim sẽ hướng dẫn bạn từng bước trước, trong và sau khi đo điện tim, bạn đừng ngại hỏi nếu có điều gì chưa rõ và cần được giải thích. 

Đo điện tim không cần nhịn ăn uống, giữ tinh thần thoải mái, cần ngồi nghỉ tại chỗ khoảng 5 phút để cơ thể trở lại trạng thái bình thường trước khi đo điện tim. 

Hãy nói cho bác sĩ biết về các tình trạng liên quan đến sức khỏe của trái tim, bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện trước đó như mệt mỏi, đau ngực, khó thở, chóng mặt, ngất xỉu. Bệnh sử bản thân và gia đình mắc bệnh tim mạch, có đang sử dụng máy tạo nhịp tim hay không, tất cả các loại thuốc điều trị có kê đơn hoặc không kê đơn, kể cả các loại vitamin bổ sung. 

Dựa vào thông tin bạn cung cấp, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm chẩn đoán khác nếu cần thiết. 

 

 

Đo điện tim được thực hiện như thế nào?

Đo điện tim (ECG) thường được thực hiện tại Khoa Khám bệnh cho người khám sức khỏe định kỳ, cho người bệnh điều trị ngoại trú và nội trú. Các bước thực hiện có thể thay đổi tùy vào từng tình trạng bệnh lý cụ thể. 

Một số điều cần lưu ý để không làm gián đoạn trong khi đo để đảm bảo tính chính xác của kết quả điện tim:

Điều dưỡng đo điện tim sẽ hướng dẫn bạn nằm ngửa trên giường khám, sau đó sẽ gắn các điện cực vào các vị trí ở ngực, cánh tay và chân của bạn sao cho kết nối với điện cực tốt hơn.

Bạn vẫn giữ nguyên tư thế nằm trong trạng thái thả lỏng cơ thể, không cử động hay nói chuyện để máy đo điện tim ghi lại kết quả chính xác nhất.

Thời gian đo điện tim diễn ra khoảng 10 đến 15 phút, tính từ lúc các điện cực được gắn đúng vào các vị trí, máy đo điện tim nhận tín hiệu kết nối cho đến khi máy đo hoàn thành quá trình ghi lại kết quả được diễn giải bằng hình ảnh đồ thị.

 

 

Những điều cần lưu ý sau khi đo điện tim

Sau khi đo điện tim, bạn có thể tiếp tục thực hiện các chỉ định kiểm tra sức khỏe khác, về nhà sinh hoạt, ăn uống và làm việc bình thường. Qua kết quả đo điện tim, nếu phát hiện có vấn đề tim mạch hoặc có yếu tố nguy cơ cao, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định cho bạn thực hiện thêm một số cận lâm sàng để phục vụ cho việc chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.

 

Khám sức khỏe tổng quát định kỳ và tầm soát bệnh tim mạch có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát hiện sớm và ngăn ngừa bệnh lý tim mạch phát triển. Trong đó, đo điện tim là phương pháp không thể thiếu giúp phát hiện và chẩn đoán các vấn đề sức khỏe liên quan đến tim mạch.

 

 

Bệnh viện An Sinh

Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

  

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh. Tất cả dữ liệu kết quả khám sức khỏe, các xét nghiệm và hình ảnh chẩn đoán lưu trữ lâu dài trên hệ thống PACS được kết nối với bệnh án điện tử. Bạn chủ động quản lý thông tin sức khỏe, thuận tiện cho việc theo dõi, so sánh kết quả những lần thăm khám tiếp theo để có hướng cải thiện và nâng cao sức khỏe tổng thể tốt hơn.

 

 

 

  

Các tin tức khác:
[Trở về]