Kiến thức y học

Những điều quan trọng ba mẹ cần lưu ý khi mang thai đôi, thai ba

Cập nhật lúc: 10:21:19 SA - 17/05/2023

Khi mang thai đôi, thai ba có thể mang đến niềm hạnh phúc gấp đôi, gấp ba cho các ba mẹ đang mong con nhưng cơ thể mẹ sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn, mệt mỏi và lo lắng nhiều hơn. Để có thai kỳ khỏe mạnh, mẹ vượt cạn thành công, các con chào đời khỏe mạnh, ba mẹ cần lưu ý một số điều quan trọng

 



 

Khi mang thai đôi, thai ba có thể mang đến niềm hạnh phúc gấp đôi, gấp ba cho các ba mẹ đang mong con nhưng cơ thể mẹ sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn, mệt mỏi và lo lắng nhiều hơn. Để có thai kỳ khỏe mạnh, mẹ vượt cạn thành công, các con chào đời khỏe mạnh, ba mẹ cần lưu ý một số điều quan trọng sau đây để có sự chuẩn bị tốt nhất, đảm bảo trong suốt thời gian mang thai luôn thuận lợi và suôn sẻ. 

 

Ba mẹ ở độ tuổi 30 và 40 có nhiều khả năng mang thai đôi, thai ba một cách tự nhiên

Không như mọi người thường nghĩ, khả năng thụ thai tự nhiên sẽ giảm dần theo độ tuổi, ba mẹ càng lớn tuổi thì càng khó thụ thai hơn. Thực tế cho thấy yếu tố tuổi tác lại có thể làm tăng khả năng mang thai đôi, thai ba nhiều hơn. Vì khi mẹ bước qua tuổi 25 hay đang trong độ tuổi 30 và 40, chu kỳ rụng trứng thay đổi, sẽ có hai trứng rụng cùng một lúc thay vì chỉ có một trứng rụng đều mỗi tháng. Điều này dẫn đến mẹ có khả năng mang thai đôi, thai ba một cách dễ dàng. 

 

Cơ thể mẹ cần bổ sung nhiều axit folic hơn

Axít folic là một dưỡng chất cần thiết và quan trọng với cơ thể mẹ mang thai. Axít folic là một trong những vitamin nhóm B, có vai trò sản sinh các tế bào máu và sự phát triển của ống thần kinh. Vì vậy, mẹ mang thai đôi, thai ba cần phải bổ sung axit folic nhiều hơn để phòng ngừa dị tật bẩm sinh cho con ngay từ trong bụng mẹ. Theo khuyến cáo, mẹ nên bổ sung 1 milligram (mg) axit folic mỗi ngày cho thai đôi và 0,4 mg cho thai đơn.

 

Ba mẹ cần thăm khám và theo dõi sự sức khỏe thai kỳ thường xuyên hơn

Kinh nghiệm thực tế từ các ông bố bà mẹ mang thai đôi, thai ba cho thấy mẹ cần thăm khám và theo dõi sự phát triển thai kỳ thường xuyên hơn, đảm bảo các con được luôn phát triển tốt và phòng ngừa tối đa các nguy cơ có thể gặp trong thai kỳ. Bác sĩ cũng sẽ giúp ba mẹ hiểu rõ tình trạng sức khỏe thai thận trọng khi thực hiện một số xét nghiệm sàng lọc dị tật bẩm sinh trước sinh.

 

Các cơn ốm nghén sẽ xuất hiện thường xuyên gây mệt mỏi hơn

Một trong những nguyên nhân gây ra các cơn ốm nghén thai kỳ là do nồng độ hormone trong cơ thể mẹ tăng cao so với bình thường, nồng độ này sẽ tăng cao đáng kể ở những mẹ mang thai, thai ba. Triệu chứng ốm nghén thường xuất hiện trong ba tháng đầu thai kỳ có thể k đến như buồn nôn, nôn, đau lưng, khó ngủ và ợ nóng nhiều hơn. Ốm nghén sẽ giảm, có khi biến mất khi thai được 12 đến 14 tuần tuổi nhưng cũng có một số mẹ bị ốm nghén trong suốt thai kỳ.

 

Xuất huyết thai kỳ cũng phổ biến hơn so với mẹ mang đơn thai

Hiện tượng xuất huyết thai kỳ (chảy máu âm đạo) có thể xuất hiện vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, thường gặp nhất ở 3 tháng đầu mang thai. Tình trạng này có thể do sự thay đổi của nội mạc tử cung trong quá trình chuẩn bị làm tổ, có khi là dấu hiệu báo thai sớm. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến xuất huyết thai kỳ do biến chứng sản khoa như thai ngoài tử cung, nhiễm khuẩn, dọa sẩy hoặc sinh non, dấu hiệu cảnh báo cần theo dõi sức khỏe chặt chẽ trong suốt quá trình mang thai. Tốt hơn hết là ba mẹ cần thăm khám bác sĩ ngay nếu cảm thấy lo lắng để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có biện pháp can thiệp kịp thời. 

Ba mẹ vẫn có thể cảm nhận được thai máy (cử động thai) bình thường

Thai máy, hay còn gọi là cử động thai hay em bé đạp, là khi thai nhi có những cử động như xoay trở mình, tay chân hoặc toàn thân mà ba mẹ cảm nhận được. Đây cũng là cách giúp ba mẹ theo dõi và đoán biết tình trạng sức khỏe của con trong bụng mẹ. Thông thường, ba mẹ sẽ cảm nhận được con đạp rõ nhất khi thai được 18 đến 20 tuần tuổi. Nếu ba mẹ từng mang thai trước đó sẽ dễ nhận biết chuyển động của thai như thế nào, nhưng nếu mang thai lần đầu tiên có thể khó phân biệt hơn giữa sự chuyển động của chức năng tiêu hóa và sự chuyển động của thai nhi.

 

Mẹ tăng nhiều cân hơn khi mang thai đôi, thai ba

Chắc chắc rồi, khi mẹ mang thai đôi, thai ba trọng lượng cơ thể cũng có thể tăng gấp đôi so với mang đơn thai. Bởi vì mọi thứ đều tăng gấp đôi cùng các em bé, chẳng hạn như nếu là hai em bé sẽ đi cùng hai nhau thai và nhiều nước ối hơn. Mẹ cũng cần bổ sung nhiều calo hơn để đảm bảo nguồn năng lượng và dưỡng chất đầy đủ cho các con phát triển khỏe mạnh. Khuyến cáo, mẹ mang thai đôi, thai ba không nên tăng cân nhiều hơn 18 kg hoặc ít hơn 7 kg, số cân tăng phù hợp khoảng 13.5 kg đến 16 kg.

 

Mẹ có nguy cơ cao tiền sản giật thai kỳ

Khi mẹ mang thai đôi, thai ba là yếu tố thuận lợi cho tình trạng tiền sản giật. Tiền sản giật là một bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe thai kỳ. Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây tiền sản giật nhưng họ nhận thấy có sự liên quan mật thiết giữa mang đa thai, từ thai đôi trở lên và hiện tượng này. Triệu chứng tiền sản giật phổ biến là tăng huyết áp, protein niệu và sưng phù tay chân. Để phòng ngừa nguy cơ tiền sản giật, mẹ cần theo huyết áp thường xuyên và khám chuyên khoa tim mạch nếu có nguy cơ cao theo chỉ định của bác sĩ. 

 

Mẹ có nguy cơ cao mắc đái tháo đường (tiểu đường) thai kỳ

Theo ước tính cứ 7 mẹ mang thai lại có 1 mẹ gặp phải tình trạng tiểu đường thai kỳ. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của con trong bụng mẹ cho đến khi chào đời. Tỷ lệ mắc tiểu đường thai kỳ cao hơn khi mẹ mang thai đôi, thai ba. Nguy cơ lớn nhất là em bé nặng ký hơn, mẹ phải sinh mổ để đón con chào đời, nguy cơ mắc tiểu đường típ 2 cao hơn sau sinh.

 

Mẹ có nguy cơ sinh non cao hơn

Sinh non là tình trạng khá phổ biến khi mẹ mang thai đôi, thai ba. Sinh non là khi em bé được chào đời trước 37 tuần tuổi của thai kỳ. Sinh non trước 34 tuần tuổi vẫn chưa phải là một vấn đề sức khoẻ đáng lo ngại vì lúc này phổi của con đã bắt đầu trưởng thành và con sẽ được tiêm thuốc hỗ trợ phổi. Tuy nhiên, sinh non luôn kèm theo các nguy cơ mắc bệnh hô hấp khi con lớn lên cũng như các vấn đề sức khỏe khác như nhẹ cân, suy dinh dưỡng, khả năng miễn dịch kém…

 

Sinh mổ phổ biến ở mẹ mang thai đôi, thai ba

Khi mẹ mang thai đôi vẫn có khả năng sinh thường qua ngã âm đạo, quá trình này cũng giống như sinh một thai, chuyển dạ một lần nhưng sinh được hai em bé. Mang thai đôi, thai ba được xem là thai kỳ nguy cơ cao, trong suốt quá trình mang thai cho đến khi chuyển dạ. Vì vậy, bên cạnh việc theo dõi sức khỏe thai kỳ thường xuyên hơn, phòng ngừa nguy cơ biến chứng thai kỳ, nguy cơ sinh non thì sinh mổ lấy thai cũng phổ biến ở mẹ mang thai đôi, thai ba. Thông thường, ngôi mông ở thai đôi, thai ba thường gặp hơn ở thai đơn, khi mẹ được xác định là thai ngôi mông, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ lấy thai vì muốn an toàn cho cả mẹ và con.

 

Chúc gia đình bạn một thai kỳ khỏe mạnh và yên vui.

 

Bệnh viện An Sinh 

Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ 

 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh. Tất cả dữ liệu kết quả khám sức khỏe, các xét nghiệm và hình ảnh chẩn đoán lưu trữ lâu dài trên hệ thống PACS được kết nối với bệnh án điện tử. Bạn chủ động quản lý thông tin sức khỏe, thuận tiện cho việc theo dõi, so sánh kết quả những lần thăm khám tiếp theo để có hướng cải thiện và nâng cao sức khỏe tổng thể tốt hơn. 

 

 

 

 

Các tin tức khác:
[Trở về]