Kiến thức y học

Hướng dẫn khám sức khỏe tầm soát phát hiện sớm một số bệnh ung thư thường gặp

Cập nhật lúc: 3:49:42 CH - 10/05/2023

Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globalcan) 2020, tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư, hiện có 354.000 người đang sống chung với ung thư. Khám sức khỏe tổng quát định kỳ kết hợp tầm soát sớm ung thư là biện pháp đơn giản nhất giúp sàng lọc nguy cơ ung thư từ rất sớm

 



 

Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globalcan) 2020, tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư, hiện có 354.000 người đang sống chung với ung thư. Trung bình cứ 100.000 người thì có 159 người được chẩn đoán mắc mới và 106 người tử vong do ung thư.

 

Tỷ lệ mắc ung thư mới của Việt Nam đã tăng lên 9 bậc xếp thứ 90/185 quốc gia, từ 165.000 ca mới vào năm 2018 tăng lên 182.000 ca mới vào năm 2020, và tỉ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc xếp 50/185 sau 2 năm.

 

Khám sức khỏe tổng quát định kỳ, tầm soát sớm ung thư là biện pháp đơn giản nhất giúp sàng lọc nguy cơ tiềm ẩn ung thư từ rất sớm. Bên cạnh duy trì lối sống, thói quen, dinh dưỡng lành mạnh, quản lý tốt căng thẳng. Cần thăm khám ngay nếu nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường. Bệnh ung thư được phát hiện sớm tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90%.

 

Tầm soát sớm ung thư rất cần thiết với tất cả mọi người, người có yếu tố nguy cơ cao hoặc có bệnh sử gia đình.

 

Ung thư vú (Breast cancer)

Ung thư là một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ trên thế giới, không có dấu hiệu rõ ràng lúc khởi phát cho đến khi tiến triển.

 

Nguyên nhân

Lối sống và chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng nhiều bia rượu, thuốc lá, thường xuyên thức khuya, ít vận động, thể trạng béo phì, tình trạng dậy thì sớm hoặc mãn kinh muộn, bệnh sử mắc u nang hoặc u xơ tuyến vú, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung, thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, tia bức xạ.

 

Dấu hiệu

Đau tức vùng ngực

Da vùng ngực thay đổi

Sờ thấy khối ở ngực

Núm vú tiết dịch bất thường

Sưng, nổi hạch nách

Đau lưng, vai, gáy

 

Phòng ngừa

Khuyến cáo tất cả nữ giới bước vào tuổi dạy thì nên tập thói quen tự khám vú sau mỗi chu kỳ kinh hàng tháng. Thăm khám bác sĩ ngay nếu nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào ở vùng ngực để được kiểm tra và đánh giá sức khỏe toàn diện. Khuyến cáo, phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên khám sàng lọc ung thư vú bằng chụp x-quang tuyến vú (chụp nhũ ảnh) hàng năm thay vì chỉ khám lâm sàng và siêu âm bình thường.

 

 

Polype và ung thư đại trực tràng (colon and rectal cancer)

Ung thư tiêu hóa diễn biến âm thầm, không có dấu hiệu dù khối u đã xuất hiện và phát triển trong thời gian dài. Bác sĩ chẩn đoán dựa vào kết quả nội soi tiêu hóa, nếu có tổn thương nghi ngờ sẽ sinh thiết và xét nghiệm tìm tế bào ung thư.

 

Nguyên nhân

Chế độ ăn uống không lành mạnh, mắc bệnh lý tiêu hóa nhưng không được điều trị kịp thời làm tăng nguy cơ phát triển ung thư, thường xuyên sử dụng nhiều rượu bia, lá thuốc.

 

Dấu hiệu

Cơ thể mệt mỏi, suy nhược

Đau bụng âm ỉ, kéo dài

Giảm cân nhanh không rõ nguyên nhân

Phân có lẫn máu

Sờ thấy khối u ở bụng

 

Phòng ngừa

Khuyến cáo người trưởng thành nên bắt đầu tầm soát ung thư tiêu hóa ở tuổi 50, người có nguy cơ cao nên tầm soát thường xuyên khi 45 tuổi. Nội soi tiêu hóa hoặc xét nghiệm phân để tìm dấu hiệu ung thư đều được, điều quan trọng là có thực hiện sàng lọc. Nếu sàng lọc bằng một xét nghiệm bất kỳ nếu có kết quả bất thường cũng cần được theo dõi bằng nội soi tiêu hóa.

 

 

Ung thư cổ tử cung (Cervical cancer)

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư thường gặp hàng đầu ở phụ nữ trên thế giới. Tương tự ung thư vú, ung thư buồng trứng, không có những dấu hiệu nổi bật cho đến khi tiến triển.

 

Nguyên nhân

Các tế bào ở cổ tử cung, phần dưới của tử cung, phát triển ầm thầm quá mức kiểm soát và biến đổi bất thường trong thời gian dài, khoảng một vài năm, do sự thay đổi môi trường âm đạo hoặc bị nhiễm virus HPV.

 

Dấu hiệu

Xuất huyết âm đạo bất thường

Đau vùng chậu

Thay đổi thói quen đại tiện, tiểu tiện

Sưng chân

 

Phòng ngừa

Khuyến cáo tầm soát ung thư cổ tử cung nên bắt đầu thực hiện từ 25 tuổi, dưới độ tuổi này rất hiếm gặp, sàng lọc có thể chưa cần thiết. Sàng lọc bằng cách: 

  • Xét nghiệm HPV (human papillomavirus) mỗi 5 năm một lần
  • Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung Pap Smear xét nghiệm HPV mỗi 5 năm một lần
  • Xét nghiệm Pap smear mỗi 3 năm một lần

Ung thư cổ tử cung đã có vaccine phòng ngừa. Những người đã được chủng ngừa vaccine HPV vẫn nên tuân theo các khuyến nghị sàng lọc theo các nhóm tuổi. 

 

 

Ung thư nội mạc tử cung (Endometrial cancer)

Bệnh lý cũng thường gặp ở nữ giới, có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, phổ biến hơn trong khoảng 45 - 75 tuổi, đang có xu hướng trẻ hóa. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo phụ nữ thời kỳ mãn kinh cần được tầm soát ung thư nội mạc tử cung.

 

Nguyên nhân 

Mất cân bằng nội tiết tố 

Kinh nguyệt không đều 

Chế độ sinh hoạt không lành mạnh 

Tiền sử nạo phá thai, phẫu thuật tử cung 

Mắc bệnh liên quan đến buồng trứng 

Sử dụng hormone estrogen trong thời gian dài

 

Dấu hiệu

Xuất huyết âm đạo bất thường

Ra khí hư bất thường

Thường đau vùng chậu

Thay đổi thói quen đại tiện, tiểu tiện

Giảm cân không rõ nguyên do

 

Phòng ngừa

Khuyến cáo tất cả phụ nữ đã quan hệ tình dục, từng bị viêm nhiễm phụ khoa nên khám phụ khoa định kỳ và tầm soát ung thư nội mạc tử cung. Tùy tình trạng và mức độ, bác sĩ có thể cho chỉ định sàng lọc bằng cách:

  • Xét nghiệm phết tế bào tử cung Pap Smear
  • Soi tử cung
  • Sinh thiết nội mạc tử cung
  • Xét nghiệm tế bào tử cung Pathtezt 

 

 

Ung thư phổi (Lung cancer)

Ung thư phổi là bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể, khó phát hiện, hiệu quả điều trị thấp và gây tử vong nhiều nhất trong các bệnh ung thư.

 

Nguyên nhân

Hút nhiều thuốc lá, chủ động và thụ động

Môi trường làm việc ô nhiễm, hóa chất độc hại

Tiếp xúc thường xuyên với tia phóng xạ

 

Dấu hiệu

Cơn ho kéo dài không khỏi

Mệt mỏi, khàn giọng, khó nuốt

Khó thở, thở ngắn

Đờm có lẫn máu

Đau tức ngực

Sụt cân nhanh

 

Phòng ngừa

Khuyến cáo bỏ hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá biện pháp phòng bệnh hàng đầu. Khám sức khỏe tổng quát định kỳ để được can thiệp điều trị kịp thời. Người có yếu tố nguy cơ cao cần thực hiện sàng lọc ung thư phổi hàng năm bằng cách chụp X-quang tim phổi hoặc chụp cắt lớp vi tính CT Scan liều thấp.

 

 

Ung thư tuyến tiền liệt (Prostate cancer)

Ung thư tuyến tiền liệt hay còn gọi là ung thư tiền liệt tuyến, bệnh lý khá nguy hiểm ở nam giới, thời gian tiến triển chậm, không có dấu hiệu rõ ràng, chỉ biểu hiện ra bên ngoài ở mức độ nhẹ nên thường bị bỏ qua. 

 

Nguyên nhân

Sự tăng trưởng đột biến của các tế bào ở tuyến tiền liệt, lâu ngày hình thành nên các khối u ác tính. Tốc độ phát triển của bệnh thường chậm, thời gian đầu dường như rất ít biểu hiện triệu chứng.

 

Dấu hiệu

Đau mỗi khi đi tiểu, tiểu đêm, tiểu khó

Tuyến tiền liệt phì đại

Có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch

Đau vùng lưng, hông và đùi trên

 

Phòng ngừa

Khuyến cáo tầm soát ung thư tuyến tiền liệt từ 50 tuổi. Nam giới nên trao đổi với bác sỹ để hiểu rõ những ưu điểm và nhược điểm của các xét nghiệm sàng lọc để có lựa chọn phù hợp

  • Xét nghiệm máu PSA, xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng sàn chậu
  • Sinh thiết tuyến tiền liệt

 

Cách tốt nhất để phòng bệnh ung thư hiệu quả đó là: 

 

Không hút thuốc lá

Hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động đều có hại cho sức khỏe tổng thể, tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như vòm họng, thanh quản, tiêu hóa, cổ tử cung. Theo thống kê, có tới 90% nam giới mắc ung thư phổi có tiền sử hút thuốc lá, nữ giới có 50-80% mắc ung thư phổi do hút thuốc lá thụ động hoặc chủ động.

 

Chế độ ăn uống lành mạnh

Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Một chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ nâng cao thể trạng mà còn phòng ngừa bệnh ung thư hiệu quả. Chế độ ăn uống khoa học cần đảm bảo 4 nhóm chất thiết yếu bao gồm chất bột đường, chất xơ, chất đạm (protein), vitamin và khoáng chất. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), một người trưởng thành nên tiêu thụ ít nhất từ 300 gam rau xanh và 200 gam trái cây mỗi ngày để phòng chống nguy cơ mắc các bệnh mạn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư) có liên quan đến dinh dưỡng. Tập thói quen ăn nhạt, hạn chế thức ăn nhanh, thực phẩm được chế biến sẵn… Uống đủ nước theo nhu cầu cơ thể.

 

Hoạt động thể chất thường xuyên

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh hoạt động thể chất phù hợp thể trạng, mức độ đều đặn thường xuyên là một trong những cách hữu hiệu giúp kiểm soát cân nặng và ngăn ngừa sự phát triển của nhiều bệnh ung thư, trong đó phải kể đến ung thư vú và ung thư tiêu hóa (đại trực tràng). Nếu là người không thích tập thể dục, công việc quá bận rộn không có nhiều thời gian để đến phòng tập, vận động nhẹ nhàng tùy theo sở thích như đi dạo bộ, đạp xe, dùng thang bộ… cũng được khuyến khích.

 

Khám sức khỏe tổng quát định kỳ

Khám sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm có ý nghĩa rất quan trọng, cách đơn giản nhất để phòng bệnh ung thư hiệu quả, đừng bỏ qua và duy trì đều đặn mỗi 6 tháng hoặc ít nhất một năm một lần. Bệnh ung thư cũng như các bệnh mạn tính khác, nếu được phát hiện chẩn đoán sớm, điều trị dễ dàng hơn, quá trình điều trị được rút ngắn, tiết kiện chi phí điều trị, giảm nguy cơ biến chứng, cơ thể mau hồi phục hơn. 

Bạn đừng ngại hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn khám sức khỏe và tầm soát sớm ung thư phù hợp theo từng độ tuổi và yếu tố nguy cơ. Sàng lọc ung thư sớm được xem là biện pháp hoàn hảo trong việc phát hiện và điều trị hiệu quả hầu hết các loại ung thư.

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh. Tất cả dữ liệu kết quả khám sức khỏe, các xét nghiệm và hình ảnh chẩn đoán lưu trữ lâu dài trên hệ thống PACS được kết nối với bệnh án điện tử. Bạn chủ động quản lý thông tin sức khỏe, thuận tiện cho việc theo dõi, so sánh kết quả những lần thăm khám tiếp theo giúp nâng cao giá trị chẩn đoán và hiệu quả điều trị.

 

 

Bệnh viện An Sinh

Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

 

 

  

 

 

Các tin tức khác:
[Trở về]