Tin bệnh viện An Sinh

Sinh hoạt khoa học “Tầm soát tiền sản giật 3 tháng đầu thai kỳ”

Cập nhật lúc: 2:58:31 CH - 10/12/2022

Chiều ngày (1/12/2022), Bệnh viện An Sinh tổ chức sinh hoạt khoa học với chủ đề “Tầm soát tiền sản giật 3 tháng đầu thai kỳ". Tiền sản giật là một biến chứng phổ biến trong thai kỳ, là 1 trong 5 biến chứng sản khoa có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và con



 

 

Chiều ngày (1/12/2022), Bệnh viện An Sinh tổ chức sinh hoạt khoa học với chủ đề “Tầm soát tiền sản giật 3 tháng đầu thai kỳ”, báo cáo viên là BS CKII Trịnh Nhựt Thư Hương, Trưởng khoa Tiền sản giật Bệnh viện Từ Dũ.

 

Tiền sản giật là một biến chứng phổ biến trong thai kỳ, thường xuất hiện sau tuần thai thứ 20 và kéo dài đến 6 tuần sau khi sinh. Tiền sản giật là 1 trong 5 biến chứng sản khoa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con trong giai đoạn thai nghén, đặc biệt là 2 tháng cuối thai kỳ.

 

Theo thống kê toàn cầu, ước tính mỗi năm có hơn 10 triệu phụ nữ mang thai bị tiền sản giật. Nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh lý thường gặp trong thai kỳ như tăng huyết áp, nhau bong non, thai chậm phát triển, tăng nguy cơ sinh non...

 

Tầm soát và phát hiện sớm tiền sản giật có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Qua kết quả thăm khám, bác sĩ có thể dự phòng nguy cơ và có hướng can thiệp kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con.

 

Bác sĩ chẩn đoán tiền sản giật dựa vào chỉ số huyết áp đo được tại phòng khám và nồng độ protein trong nước tiểu. Hiện nay đã có xét nghiệm tầm soát tiền sản giật giúp phát hiện các dấu hiệu và tiên lượng tiền sản giật ngay trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

 

Sàng lọc tiền sản giật thường được bác sĩ chỉ định trong khoảng thời gian từ tuần 11 đến tuần 14 của thai kỳ, có thể thực hiện cùng thời điểm với xét nghiệm sàng lọc dị tật thai nhi double test. Sàng lọc tiền sản giật được thực hiện bằng cách lấy mẫu máu của mẹ và hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

 

Theo khuyến cáo, phụ nữ mang thai nên thực hiện sàng lọc tiền sản giật để xác định nguy cơ có cao hay không, từ đó biết cách chăm sóc sức khỏe thai kỳ tốt hơn. Thông thường, sàng lọc tiền sản giật gồm xét nghiệm máu, đo huyết áp và siêu âm.

 

Điều quan trọng nhất là không bỏ qua việc khám thai định kỳ, theo dõi huyết áp thường xuyên và khám chuyên khoa tim mạch ngay khi có dấu hiệu phổ biến.

 

Sàng lọc nguy cơ tiền sản giật là một bước đơn giản nhưng hiệu quả trong việc phòng ngừa nguy cơ tiền sản giật trong thai kỳ. Nếu có nguy cơ cao, bác sĩ sẽ có những hướng dẫn phù hợp, giúp chủ động điều chỉnh thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng để đảm bảo suốt hành trình mang thai của gia đình bạn luôn khỏe mạnh và yên vui.

 

Bệnh viện An Sinh thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn với mục đích chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm điều trị thực tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả điều trị cho người bệnh.

 

Một số hình ảnh trong buổi sinh hoạt khoa học “Tầm soát tiền sản giật 3 tháng đầu thai kỳ”:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bệnh viện An Sinh

 

 

 

 

Các tin tức khác:
[Trở về]