Làm lành với căng thẳng trong điều trị thụ tinh ống nghiệm
Căng thẳng là điều khó tránh khi quyết định điều trị thụ tinh ống nghiệm cũng như trải qua bất kỳ quá trình điều trị nào khác, gồm điều trị IVF, IUI hoặc đang trong giai đoạn kích thích buồng trứng, chuẩn bị chuyển phôi… Có rất nhiều yếu tố dẫn đến căng thẳng, đó có thể là sự kích thích cho niềm hy vọng hoặc cũng có thể là ngòi nổ cho nỗi sợ hãi.
Không khác biệt lắm giữa đứng dưới nắng hàng giờ đồng hồ trong một ngày nắng gắt so với việc đứng dưới nắng nhiều giờ dưới một chiếc kính lúp khổng lồ. Thuốc nội tiết tố trong hỗ trợ sinh sản có thể giống như chiếc kính lúp ấy, chúng có xu hướng phóng đại mọi thứ quá mức so với kích thước thực tế.
Sự thay đổi nội tiết tố do tác động của một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị thụ tinh ống nghiệm có thể làm thay đổi tâm trạng chứ không chỉ bởi những suy nghĩ diễn ra trong đầu bạn. Những khi rơi vào trạng thái này, bạn chỉ cần nhớ điều này sẽ giúp tinh thần giảm bớt những bức bối, khó chịu bằng cách tìm người mà bạn muốn chia sẻ, những nỗi sợ không đáng có, những căng thẳng dường như cũng được hóa giải một cách tự nhiên, chuyện lớn thành nhỏ, chuyện nhỏ thành không có.
Có lẽ, khoảng thời gian đang trong chu kỳ điều trị thụ tinh ống nghiệm không phải là thời điểm thích hợp cho bất kỳ cuộc gặp gỡ nào có khuynh hướng thiên về mặt cảm xúc. Vợ chồng bạn nên hạn chế các cuộc gặp gỡ trò chuyện vô bổ, đôi khi điều đó có thể tăng thêm áp lực và tạo thêm sức ép cho sức khỏe tinh thần. Lời khuyên hữu ích là hãy dành thời gian nghỉ ngơi, nâng cao sức khỏe thể chất, tìm kiếm những niềm vui ở xung quanh và tận hưởng chúng.
Tuyệt đối đừng ép buộc bản thân. Nếu chưa biết cách quản lý tốt cảm xúc, không kìm chế được những cơn xúc động mạnh, thậm chí là dễ tức giận. Hãy cho bản thân thêm thời gian và đợi đến chu kỳ điều trị tới. Đó chính là tín hiệu của cơ thể cho bạn biết cần thời gian phục hồi sau quá nhiều áp lực về những thông tin mà vợ chồng bạn nhận được trong thời gian vừa qua. Bất cứ lúc nào những cơn xúc động xuất hiện, bạn nhớ hít thở, hít vào thật sâu và thở thật chậm để trạng thái căng thẳng ấy nhẹ nhàng lướt qua.
Luôn giữa tinh thần lạc quan trong bi quan
Điều này nói thì dễ nhưng rất để thực hiện. Tâm lý con người thường bị dao động qua lại giữa sự phấn khích và nỗi sợ hãi. Đặc biệt là khi vợ chồng bạn đang trong giai đoạn khó khăn. Cho dù đây là chu kỳ điều trị lần thứ mấy thì cũng vẫn chỉ được xem là một chu kỳ điều trị mà thôi.
Đôi khi chúng ta quên rằng việc thực hiện một vài chu kỳ điều trị thụ tinh ống nghiệm trước khi đạt được thành công như mong muốn cũng là điều bình thường. Đôi khi chúng ta quên rằng nhiều khả năng điều trị thành công hơn đang ở phía trước. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang ở phía cuối con đường nhưng thực sự có nhiều lựa chọn hơn mà chúng ta chưa biết.
Thời gian chờ đợi thử thai có thể là một trải nghiệm như vượt qua chướng ngại vật. Ngay cả khi điều xấu xí nhất có thể xảy ra. Ngay cả khi bạn chưa có thai như mong đợi. Cảm xúc chắc chắn sẽ bị đè nặng. Ban đầu có thể sẽ rất khó khăn để vợ chồng bạn có thể dễ dàng vượt qua. Sức khỏe tinh thần cũng cần thời gian chữa lành những tổn thương để mọi thứ trở lại bình thường. Cuộc sống vẫn đang tiếp diễn. Thay đổi góc nhìn sẽ giúp vợ chồng bạn lên giây cót tinh thần, tiếp thêm hy vọng, nạp thêm nguồn năng lượng mới, biến khoảng thời gian chờ đợi cũng mang lại nhiều giá trị nhất định.
Cơ thể cần nghỉ ngơi trong trạng thái thả lỏng
Mức độ căng thẳng có thể thay đổi theo từng ngày tùy thuộc vào phương pháp điều trị hiếm muộn, tình trạng sức khỏe của vợ chồng bạn, số lượng và chất lượng phôi… Đó có thể là ngày bạn kiểm tra sức khỏe, ngày kích thích buồng trứng, siêu âm theo dõi sự phát triển của trứng, ngày chuyển phôi, những ngày trước khi thử thai…
Áp lực thời gian là có thật trong quá trình điều trị thụ tinh ống nghiệm. Bất cứ khi nào bạn nhận biết rằng đây sẽ là một ngày đầy khó khăn, hãy nuông chiều và cho phép cơ thể được nghỉ ngơi. Nếu bạn phải đi làm ngay sau khi làm thủ thuật, đừng tiếc một chút thời gian làm điều yêu thích và cảm thấy được thư giãn như thưởng thức một ly ca cao nóng hoặc một tách trà thảo mộc trong một không gian xanh mát chẳng hạn.
Bạn không nên trì hoãn cuộc sống vì điều đó không mang lại lợi ích gì cả. Tâm trí bạn sẽ không thể nào thoát khỏi những suy nghĩ ám ảnh về việc điều trị tiếp theo. Mau chóng chuyển đổi trạng thái căng thẳng ảnh hưởng bởi quá trình điều trị hiếm muộn để quay trở lại trạng thái bình thường là điều vô cùng cần thiết.
Sống lành mạnh cùng căng thẳng
Đó có thể là một trong những nghịch lý của việc chung sống lành mạnh với điều trị thụ tinh ống nghiệm. Bạn không muốn nỗi sợ hay bất kỳ sự căng thẳng ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Sự xuất hiện căng thẳng trong quá trình điều trị đến một cách rất tự nhiên. Bạn lo lắng sẽ bị căng thẳng nhưng sự lo lắng này sẽ khiến bạn cảm thấy căng thẳng nhiều hơn. Điều này cho thấy bạn căng thẳng không phải do quyết định điều trị hiếm muộn mà do bởi bạn lo lắng quá.
Nghiên cứu khoa học cho rằng cảm giác căng thẳng khi phải điều trị hiếm muộn không ảnh hưởng quá nhiều đến cơ hội thành công. Một phân tích tổng hợp lớn được thực hiện bởi Trường Đại học Tâm lý học Cardiff ở Anh đã xem xét dữ liệu từ 14 nghiên cứu trong tổng số 3.583 phụ nữ. Họ phát hiện ra rằng mức độ căng thẳng hoặc trầm cảm trước khi điều trị thụ tinh ống nghiệm không ảnh hưởng đến tỷ lệ có thai. Những phụ nữ có mức độ lo lắng cao cũng có khả năng thụ thai trong thời gian điều trị như những người có mức độ căng thẳng thấp hơn.
Nói một cách khác, bạn không nên quá lo lắng về những căng thẳng phải đối mặt. Tuy nhiên, bạn nên kiểm soát mức độ căng thẳng của bản thân. Hãy đặt câu hỏi nếu cần giải đáp, hướng dẫn từ bác sĩ thăm khám và điều trị cho vợ chồng bạn. Bác sĩ cũng có những áp lực trách nhiệm chuyên môn và cần tập trung nhiều hơn vào việc điều trị để mang đến kết quả mỹ mãn cho vợ chồng bạn. Vì thế vợ chồng bạn nên chủ động tìm kiếm thông tin từ các nguồn chính thống và uy tín, sách báo chuyên ngành, tích lũy kinh nghiệm từ những người đã từng trải qua điều trị hiếm muộn… Đừng hiểu lầm vợ chồng bạn làm điều này sẽ tăng cơ hội có thai. Điều quan trọng vợ chồng bạn nên hướng tới là làm tất cả những gì có thể trong khả năng, giảm thiểu tối đa mức độ căng thẳng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Để lúc nào vợ chồng bạn cũng luôn trong trạng thái sức khỏe tốt nhất, khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
Bệnh viện An Sinh
Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn chuyên khoa
Mẹo xử lý cảm xúc căng thẳng trong điều trị thụ tinh ống nghiệm (phần 1)