Kiến thức y học

Tại sao hậu Covid có thể xuất hiện tình trạng đau lưng?

Cập nhật lúc: 2:15:42 CH - 24/03/2022

Covid có liên quan đến một loạt các triệu chứng bất thường, ảnh hưởng toàn bộ cơ quan chức năng trong cơ thể. Gần đây, triệu chứng đau lưng được xem như một dấu hiệu mới, cần được theo dõi và thăm khám sức khỏe hậu Covid

 



 

Covid có liên quan đến một loạt các triệu chứng bất thường, ảnh hưởng toàn bộ cơ quan chức năng trong cơ thể. Gần đây, triệu chứng đau lưng được xem như một dấu hiệu mới của hậu Covid. 

Trên các trang mạng xã hội tràn ngập những bình luận từ những người từng mắc Covid. Họ chia sẻ đã phải vật lộn với những cơn đau lưng dữ dội kể từ khi mắc Covid hoặc nghi ngờ rằng cơn đau lưng tiến triển sau nhiễm virus SARS-CoV-2, đó có thể là một triệu chứng kéo dài sau mắc Covid. 

Năm 2020, dấu hiệu đau lưng cũng từng được nhắc đến ở những người sau mắc Covid. Điều đáng lưu ý là đau nhức cơ khớp hoặc đau nhức toàn thân là dấu hiệu cần được theo dõi. 

Một số chia sẻ từ bác sĩ giúp bạn dễ dàng nhận biết và theo dõi sức khỏe bản thân dựa vào các dấu hiệu trước và sau mắc Covid.

 

Đau lưng có phải là dấu hiệu phổ biến của Covid không?

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi một nhóm hỗ trợ Facebook cho những người sau mắc Covid, Tiến sĩ Natalie Lambert, Trường Đại học Y Indiana, đã phát hiện ra những người đã hồi phục chức năng sau mắc Covid vẫn gặp phải các triệu chứng hoặc tác dụng phụ kéo dài là bị đau lưng dưới, trên và giữa.

Đau lưng do Covid được xếp vào nhóm đau nhức cơ khớp hoặc đau nhức toàn thân nói chung. Triệu chứng này được công nhận là một triệu chứng chính thức của Covid. Một báo cáo vào tháng 2 năm 2020 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân tích gần 56.000 trường hợp nhiễm Covid ở Trung Quốc và phát hiện ra rằng gần 15% số trường hợp bị đau nhức cơ khớp.

Marcus Duda, một bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cho biết “Covid giống như các loại virus khác, tương tự như cúm mùa, cũng gây ra các triệu chứng đau nhức cơ khớp và toàn thân”.

 

Tại sao Covid-19 lại gây ra đau lưng? 

Khi bị ốm, cơ thể sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch tự nhiên để chống lại những tác nhân là vi khuẩn, virus gây hại cho cơ thể. Đau cơ khớp vùng lưng và chân là do phản ứng viêm của cơ thể đối với virus. Những bệnh nhiễm virus này gây ra run rẩy, ớn lạnh, đau nhức cơ khớp và gây khó khăn khi vận động.

Cụ thể hơn, đau nhức cơ khớp là kết quả của việc các tế bào của hệ thống miễn dịch giải phóng interleukin, là những protein giúp chống lại các mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. Thông tin này được bác sĩ Richard Watkins, một bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm và nội khoa tại Đại học Y khoa Ohio từng chia sẻ với Prevention trước đó.

 

Cảm nhận đau lưng do Covid-19 sẽ như thế nào?

Nếu các cơn đau cơ khớp kèm theo triệu chứng như sốt, ho khan, mất vị giác, mất khứu giác, đau họng, đau đầu, đau nhức ở các vùng khác trên cơ thể, đó có thể là dấu hiệu của hậu Covid. Đau lưng sẽ có cảm giác giống như bị chuột rút do căng cơ hoặc co thắt cơ ở vùng lưng.

Hậu Covid có thể gây ra phản ứng viêm duy nhất ở phổi và não. Đó là lý do tại sao những người sau khỏi Covid có thể bị đau đầu kéo dài trong nhiều tháng.

Nói chung, cảm giác đau nhức cơ khớp có thể cảm nhận được do Covid gây ra khác rất nhiều so với cảm giác đau nhức nhận thấy sau khi tập thể dục ở cường độ cao. Cơn đau do hoạt động thể chất có xu hướng tự biến mất sau vài giờ, nhưng có thể kéo dài nhiều ngày hơn với Covid.

 

Làm sao có thể nhận biết đau lưng có phải do Covid hay không? 

Theo Medline Plus, đau lưng là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến, ảnh hưởng đến 8 trên10 người trong suốt cuộc đời của họ. Thực sự rất khó nhận biết và phân loại chính xác nguyên nhân dẫn đến cơn đau lưng có phải do Covid hay do một bệnh lý khác.

Thực tế, một số lượng lớn người bị đau lưng không mắc Covid. Điều quan trọng là phải xem xét cơn đau lưng xuất hiện trong bối cảnh nào, tiến triển và mức độ của các cơn đau. Nếu đau lưng xuất hiện cùng các triệu chứng phổ biến của Covid như các triệu chứng liên quan đến hô hấp, mất vị giác, mất khứu giác thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị đau lưng do Covid.

Theo khuyên nghị, nếu nghi ngờ mắc Covid hoặc gần đây có tiếp xúc gần với người nhiễm virus SARS-CoV-2, xuất hiện các cơn đau lưng mà không kèm theo bất kỳ dấu hiệu nào khác thì đó không phải do Covid.

Tự theo dõi sức khỏe bản thân là cách duy nhất để nhận biết đau lưng có liên quan đến Covid hay không. Nếu bạn cảm thấy khó khăn, điều tốt nhất bạn nên làm để giảm bớt sự căng thẳng, lo lắng quá mức là đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, kiểm tra và đánh giá tình trạng sức khỏe một cách toàn diện và khách quan hơn.

 

Đau lưng có phải là triệu chứng của hậu Covid?

Hậu Covid, còn được biết đến là tình trạng phát triển các triệu chứng sau mắc Covid. Đây là một thuật ngữ mới mang nghĩa rộng, được sử dụng để mô tả các vấn đề sức khỏe còn khá mới mẻ trong y khoa, có dấu hiệu quay trở lại hoặc đang tiếp diễn trong khoảng bốn tuần trở lên khi một người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid lần đầu tiên.

Các nhà khoa học và các bác sĩ vẫn đang tích cực tìm hiểu về hậu Covid, một số triệu chứng phổ biến cho tình trạng này:

  • Khó thở hoặc thở nông
  • Mệt mỏi, kiệt sức
  • Các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn sau các hoạt động thể chất hoặc tinh thần
  • Khó suy nghĩ hoặc tập trung
  • Ho dai dẳng
  • Đau ngực hoặc đau dạ dày
  • Đau đầu
  • Tim đập nhanh hoặc đập thình thịch
  • Đau các cơ khớp
  • Cảm giác kim châm
  • Tiêu chảy
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Sốt
  • Chóng mặt khi đứng
  • Phát ban
  • Thay đổi tâm trạng
  • Thay đổi mùi hoặc vị
  • Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt

 

Mặc dù danh sách không đề cập đến triệu chứng đau lưng, nhưng đây chắn chắn có thể là một danh mục mở rộng cho triệu chứng đau nhức cơ khớp. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Amesh A. Adalja, một tác giả nghiên cứu cấp cao tại Johns Hopkins cho biết, một số người bị hậu Covid cho biết họ xuất hiện các cơn đau mãn tính. Nhưng điều này không rõ liệu tình trạng này có phổ biến hơn ở người sau mắc Covid vì hầu hết các nghiên cứu không có nhóm đối chứng. 

Hầu hết những người mắc Covid và đang bị đau lưng thường sẽ cảm thấy đau cùng khu vực với phổi. Vị trí đau không tập trung ở vùng lưng dưới hoặc cổ vai gáy mà nhiều nhất ở khu vực giữa lưng nơi hệ thống hô hấp. 

 

Còn có lý do nào khác liên quan đến Covid gây ra đau lưng không? 

Có thể có. Đại dịch Covid đã làm đảo lộn mọi thứ, sự thay đổi lối sống khiến tình trạng đau lưng xuất hiện ở nhiều người hơn. Chúng bao gồm: 

Vận động ít hơn. Nếu nằm ngồi nhiều sẽ có nhiều khả năng gây đau cứng các cơ khớp. Khi các cơ bị đau cứng, có nhiều khả năng bị co cơ và căng cứng cơ ở vùng lưng. Nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra mối liên hệ giữa việc mắc kẹt ở trong nhà trong điều kiện cách ly và hội chứng đau lưng. Một nghiên cứu năm 2020 ở Ả Rập cho thấy 38,8% người bị đau lưng trước cách ly và 43,8% người bị đau lưng sau đó. 

Làm việc tại nhà: Mặc dù nhiều người đã trở lại văn phòng làm việc nhưng không phải tất cả. Thức dậy, mặc quần áo và đi làm là các hoạt động thường ngày nhưng giúp các cơ khớp được vận động, mềm dẻo và bớt căng cứng hơn. Tình trạng ngồi một chỗ quá lâu, không thoải mái ở nơi làm việc cũng có thể làm tăng nguy cơ nhức mỏi cơ khớp, thậm chí có thể dẫn đến đau lưng. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2021 cho thấy 30% người ở Malta bị đau thắt lưng mãn tính trước đại dịch và 49% mắc bệnh lý này sau đó. Làm việc từ xa có thể là một yếu tố góp phần tăng nguy cơ đau lưng. 

Stress, căng thẳng. Stress đã tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tinh thần và thể chất trong hai dịch bệnh bùng phát. Điều đó có thể dẫn đến các cơn đau nhức cơ khớp nghiêm trọng. Khi cơ thể trong trạng thái căng thẳng cũng làm tăng nguy cơ chấn thương khi vận động.

 

Đau lưng không đồng nghĩa với mắc Covid-19 

Mặc dù đau nhức cơ khớp hoặc mệt mỏi toàn thân là dấu hiệu phổ biến của Covid. Ngồi quá lâu trong thời gian dài và ngồi sai tư thế cũng có thể gây ra tình trạng hoặc chấn thương liên quan đến vùng lưng. Chấn thương thể thao, viêm khớp, phồng đĩa đệm ở cột sống hoặc loãng xương cũng là yếu tố nguyên nhân.

Nếu cơn đau lưng kéo dài hơn một đến hai tuần, trở nên trầm trọng hơn theo thời gian hoặc kèm theo giảm cân không rõ nguyên nhân hoặc tê bì chân tay, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, kiểm tra sức khỏe và chẩn đoán chính xác nguyên nhân.

Nếu xuất hiện các dấu hiệu khác của Covid, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn thực hiện một số xét nghiệm cần thiết và giải thích cách điều trị các triệu chứng nếu tình trạng ở mức nhẹ. Chườm đá hoặc chườm nóng lên vùng lưng đang đau nhức cũng là một giải pháp giúp giảm các cơn đau nhức và co cứng cơ. Nghỉ ngơi nhiều hơn và bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể cũng hỗ trợ các cơ khớp hoạt động trơn tru hơn.

Sau khỏi Covid, bạn nên lưu ý theo dõi thêm các cơn đau nhức cơ khớp và triệu chứng khác. Tình trạng này có thể kéo dài đến hai tuần đối với hầu hết mọi người nhưng các cơn đau lưng không quá lo ngại vì chúng không làm mất khả năng vận động.

 

 

 

Bệnh viện An Sinh (Nguồn tham khảo Prevention)

Thông tin tham khảo không thay việc thăm khám và tư vấn chuyên môn

 

 

 

Các tin tức khác:
[Trở về]