Dường như các khuyến nghị về chế độ ăn uống góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, duy trì một cuộc sống khỏe mạnh và sống thọ đang được liên tục thay đổi. Những loại thực phẩm đã từng được xem có nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể bỗng nhiên trở nên không còn phù hợp và những loại thực phẩm từng bị cấm kỵ trước đây trở nên được ưa chuộng về mặt dinh dưỡng.
Các nguyên tắc về chế độ ăn uống theo tiêu chuẩn USDA (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) phát triển trong nhiều năm, kể từ khi chúng được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1894, chủ yếu là kết hợp các tài liệu khoa học mới và những tiến bộ trong lĩnh vực dinh dưỡng. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi người người nhà nhà thường gặp bối rối khi cố gắng áp dụng một chế độ ăn uống một cách khoa học và lành mạnh.
May mắn thay, một số nguyên tắc về dinh dưỡng nhất định không thay đổi. Chế độ ăn uống chính là thực vật, thực phẩm toàn phần bao gồm trái cây, rau xanh, ngũ cốc và các loại đậu được chứng minh là lành mạnh nhất và có liên quan đến giảm nguy cơ ung thư trong vô số nghiên cứu khoa học, chưa kể nguy cơ bệnh lý tim mạch cũng thấp hơn. Dựa vào thông tin khoa học từ nhiều nghiên cứu và số liệu phân tích tổng hợp cũng như các báo cáo của Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ để xác định các loại thực phẩm nào có hiệu quả tích cực giảm nguy cơ ung thư
Kết quả đáng mong đợi, một loạt các loại trái cây và rau củ quả cũng như ngũ cốc, quả hạch, các loại hạt và đậu. Những thực phẩm có nguồn gốc thực vật này đều chứa lượng chất xơ, chất dinh dưỡng và chất phytochemical cần thiết. Sự kết hợp các thành phần dinh dưỡng này đều góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, có tác dụng chống lại bệnh ung thư theo những cách khác nhau. Một số loại còn chứa chất chống oxy hóa, hỗ trợ tích cực ngăn ngừa tổn thương tế bào có thể chuyển thành ung thư, trong khi những loại khác chứa các hợp chất có thể gây ức chế sự hình thành khối u, tiêu diệt các tế bào ung thư hiện có.
Bởi vì không có một loại thực phẩm nào có chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần. Điều quan trọng chúng ta nên áp dụng một chế độ ăn uống đa dạng, càng nhiều loại thực phẩm này càng tốt. Mặc dù một chế độ ăn uống lành mạnh hơn không thể đảm bảo ngăn ngừa ung thư tuyệt đối nhưng chúng có tác động tích cực phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư. Tất nhiên, khám sức khỏe định kỳ và tầm soát sớm ung thư cũng là chìa khóa quan trọng để duy trì một sức khỏe tổng thể tốt nhất.
Táo
Thành phần quan trọng: Quercetin, một sắc tố thuộc một nhóm các hợp chất thực vật được gọi là flavonoid. Flavonoid có trong rau, trái cây, ngũ cốc, trà và rượu vang.
Táo, đặc biệt là vỏ táo, chứa một hàm lượng cao flavonoid quercetin, chất này đã được nghiên cứu rộng rãi và được chứng minh là có khả năng ức chế sự gia tăng của nhiều loại ung thư bao gồm tuyến tiền liệt, vú, phổi, cổ tử cung và ruột kết. Loại trái cây cũng chứa nhiều chất xơ, có liên quan đến việc giảm tỷ lệ ung thư đại trực tràng.
Atisô
Thành phần quan trọng: Polyphenol, là những hóa chất thực vật được tìm thấy nhiều từ các loại thực vật trong tự nhiên, có đặc tính chống oxy hóa và stress oxy hóa.
Atisô chứa nhiều chất polyphenol, bao gồm cả flavonoid apigenin. Các nghiên cứu phát hiện thấy có thể giúp ngăn ngừa ung thư vú. Atisô cũng là một trong những loại rau giàu chất xơ nhất, có nghĩa là chúng có thể góp phần ngăn ngừa một số bệnh ung thư liên quan đến tiêu hóa.
Măng tây
Thành phần quan trọng: Folate, thuật ngữ chung cho cả folate thực phẩm tự nhiên và axit folic, một dạng vitamin hỗn hợp nhóm B hòa tan trong nước, có vai trò rất quan trọng quá trình tái tạo và duy trì sự tăng trưởng của mọi tế bào.
Măng tây có hàm lượng folate cao tự nhiên, còn được gọi là vitamin B9. Tăng lượng folate trong chế độ ăn uống hàng ngày có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư bao gồm ung thư tuyến tụy và ung thư vú. Thiếu folate có liên quan đến việc hình thành một số bệnh ung thư thực quản.
Lúa mạch
Thành phần quan trọng: Beta-glucans, chiết xuất từ nấm và các loại ngũ cốc được cả thế giới công nhận là hoạt chất vàng tăng cường hệ miễn dịch.
Loại ngũ cốc giàu chất xơ này chứa nhiều polysaccharide được gọi là beta-glucans, là nguồn cung cấp chất xơ prebiotic, được chứng minh trong nhiều nghiên cứu khoa học có đặc tính điều hòa miễn dịch và chống lại khối u. Các hợp chất này cũng có thể làm giảm mức cholesterol LDL.
Đậu đen
Thành phần quan trọng: Anthocyanins, hợp chất hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên, một loại flavonoid có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ.
Đậu đen chứa flavonoid bao gồm anthocyanins, được biết đến là chất chống oxy hóa, chống viêm, và cũng có thể chống ung thư theo nhiều cách, bao gồm ngăn chặn tế bào đột biến phát triển thành tế bào ung thư, ức chế sự gia tăng của tế bào ung thư khi chúng xuất hiện.
Quả việt quất
Thành phần quan trọng: Anthocyanins, hợp chất hữu cơ tự nhiên tan trong nước, chống oxy hóa mạnh mẽ có nhiều trong các thực phẩm màu đỏ, đỏ tía, tím.
Giống như đậu đen, quả việt quất cũng chứa anthocyanins, mang màu sắc đặc trưng cho thực phẩm cũng như có đặc tính chống oxy hóa mạnh. Chất chống oxy hóa hoạt động chống lại ung thư bằng cách giảm sự hình thành của các gốc tự do, các phân tử có thể phá hỏng DNA và góp phần vào sự phát triển của ung thư.
Bông cải xanh
Thành phần quan trọng: Sulforaphanes, chất này chỉ có trong một số loại rau xanh nhất định, có đặc tính chống ung thư và kháng khuẩn.
Bông cải xanh có chứa một nguồn tuyệt vời các chất sulforaphanes, chất phytochemical mạnh mẽ. Theo các nghiên cứu sơ bộ cho thấy các loại chất này có thể ngăn chặn sự phát triển của một số bệnh ung thư bao gồm ung thư tuyến tiền liệt bằng cách ức chế các đột biến trong DNA và ngăn chặn các tế bào ung thư nhân lên.
Bắp cải
Thành phần quan trọng: Carotenoid, một dạng sắc tố hữu cơ có tự nhiên trong thực vật và các loài sinh vật quang hợp khác như tảo, một vài loài nấm và một vài loài vi khuẩn.
Ngoài chứa nhiều chất xơ, có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Bắp cải bruxen còn chứa carotenoid, một số nghiên cứu cho thấy có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư phổi và ung thư vú.
Cà rốt
Thành phần quan trọng: Beta-caroten, một chất hữu cơ, có phong phú ở thực vật và các loại trái cây, có màu tự nhiên, thường mang sắc đỏ, cam và xanh đậm.
Cà rốt nổi tiếng vì chứa nhiều beta-carotene, một chất chống oxy hóa có thể bảo vệ màng tế bào khỏi bị tổn thương do oxy hóa và giảm sự hình thành của tế bào ung thư. Một số nghiên cứu khoa học cho thấy chất chống oxy hóa trong cà rốt cũng có thể chống lại HPV, loại vi rút gây ung thư cổ tử cung phổ biến ở nữ giới.
Súp lơ trắng
Thành phần quan trọng: Glucosinolates, các hợp chất chứa lưu huỳnh được tìm thấy trong các loại rau họ cải và vitamin C.
Súp lơ, giống như các loại rau họ cải khác, chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng và hợp chất giúp giảm nguy cơ ung thư. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy chế độ ăn nhiều rau họ cải ít có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Hạt chia
Thành phần quan trọng: Chất xơ và axit béo omega-3.
Chất xơ và axit béo Omega-3 có trong hạt chia góp phần tạo nên một hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh hơn, có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư ruột kết. Omega-3 cũng có đặc tính chống viêm trong đường tiêu hóa.
Các loại đậu
Thành phần quan trọng: Chất xơ
Một đánh giá của 14 nghiên cứu khác nhau cho thấy sử dụng thường xuyên các loại đậu có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Chất xơ trong đậu được chuyển hóa thành các axit béo dạng chuỗi ngắn trong đường ruột và có tác dụng chống viêm và chống ung thư.
Quế
Thành phần quan trọng: Cinnamaldehyde, thành phần chính của vỏ cây quế có tác dụng chống vi khuẩn, chống nấm, tạo hương và mùi vị trong chế biến thực phẩm.
Cơ chế apoptosis là quá trình hủy diệt của tế bào sinh vật, thường bị gián đoạn bởi các tế bào ung thư, khiến chúng tự do tồn tại và đột biến lâu hơn. Cinnamaldehyde, thành phần chính có trong vỏ quế, đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu có hiệu quả tiêu diệt các tế bào khối u đã mất hoàn toàn chức năng apoptotic.
Bệnh viện An Sinh (Nguồn tham khảo The Health)
Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn chuyên khoa