Kiến thức y học

7 vấn đề sức khỏe phổ biến khi bước vào tuổi 50

Cập nhật lúc: 4:28:10 CH - 05/05/2022

Có rất nhiều điều đáng để chúc mừng khi đạt được những thành lớn ở tuổi 50.  Mọi thứ dường như đã bắt đầu ở giai đoạn chín muồi. Giai đoạn được xem là biểu tượng cho sự phát triển đầy đủ nhất. Đây cũng lúc một số tình trạng mãn tính có xu hướng bắt đầu phát triển ở tuổi trung niên. Vậy đâu là những điều chúng ta cần chú ý trong việc chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là khi bước vào tuổi 50?

 



 

Một số tình trạng mãn tính có xu hướng bắt đầu phát triển ở tuổi trung niên. Vậy đâu là những điều chúng ta cần chú ý trong việc chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là khi bước vào tuổi 50?

Có rất nhiều điều đáng để chúng ta chúc mừng khi đạt được những thành tựu lớn ở tuổi 50. Mọi thứ dường như đã bắt đầu ở giai đoạn chín muồi. Giai đoạn này được xem là biểu tượng cho sự phát triển đầy đủ nhất, đã đạt đến giai đoạn của sự hoàn hảo để có thể chuyển sang một trạng thái mới. Sự nghiệp, kiến thức, nguồn lực tài chính, các khoản đầu tư hay tiết kiệm... và cũng đã đến lúc chúng ta cần cần chú ý nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.

Tất cả chúng ta đều biết một số tình trạng sức khỏe mạn tính thường được chẩn đoán bắt đầu từ tuổi 50. Điều tốt lành là tình trạng sức khỏe này có thể quản lý hiệu quả ở tuổi trung niên. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng hơn.

 

Sau đây là những vấn đề sức khỏe bạn cần lưu ý khi bước vào tuổi 50

 

1. Tăng huyết áp

Tăng huyết áp là một trong các tình trạng sức khỏe mạn tính thường gặp khi bắt đầu tuổi 50, đây là yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch và đột quỵ.

Một lý do khiến tăng huyết áp trở nên phổ biến ở độ tuổi này là do hệ thống mạch máu thay đổi và lão hóa dần theo tuổi tác. Các động mạch bắt đầu cứng lại và trở nên kém đàn hồi hơn, đồng thời áp lực bên trong thành mạch máu cũng sẽ tăng lên. Trọng lượng cơ thể tăng lên và stress, căng thẳng thường xuyên hơn ở độ tuổi trung niên cũng góp phần làm cho các chỉ số huyết áp leo thang.

Tăng huyết áp có thể kiểm soát tốt được bằng thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ, kết hợp với điều chỉnh lối sống lành mạnh, bao gồm cả chế độ ăn uống và tập thể dục.

Tình trạng bệnh lý này thường không có các triệu chứng rõ ràng ở lúc khởi phát nên chúng ta dễ dàng bỏ qua. Thực tế, hầu hết người trưởng thành không biết bản thân bị tăng huyết áp.

Đó là lý do tại sao các bác sĩ, chuyên gia y khoa thường đưa ra lời khuyên nên kiểm tra huyết áp thường xuyên hơn, đặc biệt là khi bước vào tuổi 50.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), chỉ số huyết áp lý tưởng là 120/80 mmHg. Bất kỳ điều gì làm thay đổi chỉ số bên trên – huyết áp tâm thu, lớn hơn hoặc bằng 130 đều được xem là huyết áp cao. Điều quan trọng là cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán đúng và có hướng điều trị phù hợp.

 

2. Cholesterol cao

Cholesterol cao là một nguyên nhân khác gây ra bệnh tim mạch. Theo thời gian, cholesterol cao sẽ tích tụ bên trong thành mạch máu và hình thành những mảng bám dẫn đến làm chậm hoặc tắc nghẽn lưu lượng máu khắp cơ thể. Những mảng bám này cũng có thể bị vỡ ra và gây ra cục máu đông, thậm chí gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Tương tự như tăng huyết áp, nồng độ cholesterol có xu hướng tăng lên theo tuổi tác. Tình trạng bệnh lý này cũng không đi kèm với các triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo nào. Đó là lý do tại sao kiểm tra nồng độ cholesterol có ý nghĩa quan trọng ở độ tuổi trung niên thông qua việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Chế độ ăn uống và tập thể dục cũng có tác động tích cực giúp điều chỉnh nồng độ cholesterol và dùng thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ.

 

3. Đái tháo đường (tiểu đường)

Đái tháo đường cũng là một trình trạng sức khỏe mạn tính phổ biến thường gặp ở độ tuổi từ 50 trở nên. Tình trạng này tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể. Thông thường, tầm soát đái tháo đường được thực hiện cùng với xét nghiệm cholesterol. Theo thống kê, hiện có khoảng hơn 34 triệu người trên thế giới mắc bệnh tiểu đường, đa số là tiểu đường típ 2, người ở độ tuổi trung niên có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Bệnh tiểu đường có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất tùy theo thể trạng. Kate Lorig, giáo sư danh dự tại Đại học Y khoa Stanford và các cộng sự cho biết đôi khi chúng ta cũng cần dùng thêm một số loại thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ giúp kiểm soát lượng đường (glucose) trong máu hiệu quả hơn.

Cũng như tăng huyết áp và cholesterol cao, các dấu hiệu cảnh báo của bệnh tiểu đường thường thầm lặng, không có dấu hiệu rõ ràng. Đó là lý do tại sao khám sức khỏe tổng quát định kỳ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc quản lý tốt các tình trạng sức khỏe mạn tính. Nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến một loạt các biến chứng nghiêm trọng, gây nguy hại cho sức khỏe tổng thể, bao gồm bệnh thận, suy giảm thị lực và bệnh lý tim mạch.

 

Các dấu hiệu cảnh báo của bệnh tim mạch

Tăng huyết áp, cholesterol cao và đái tháo đường là ba yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tim mạch, là nguyên nhân số một gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

Đâu là các dấu hiệu cảnh báo?

Hầu hết mọi người đều cảm thấy lo lắng về các cơn đau ở vùng ngực như:

·         Đau lưng không rõ nguyên nhân, xuất hiện rõ ràng khi tập thể dục

·         Đau ở vùng cổ, hàm hoặc cổ họng

·         Đau ở vùng bụng trên

·         Hụt hơi, khó thở

·         Buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi

·         Chóng mặt

·         Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số các triệu chứng kể trên và có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, bạn nên đến bệnh viện thăm khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa nội tổng quát hoặc tim mạch.

 

4. Viêm khớp

Viêm khớp, đặc biệt là viêm xương khớp cũng là một tình trạng thường xuất hiện ở tuổi 50 nhưng chúng ta thường bỏ qua và thiếu sự chăm sóc đúng mức. Các đầu mối xương khớp có xu hướng mòn dần và giảm khả năng chịu đựng khi thực hiện các hoạt động mạnh hoặc quá sức.

Những cơn đau xuất hiện có thể trở nên nghiêm trọng và thường xuyên hơn, đặc biệt từ 50 tuổi trở lên. Nếu bạn cảm thấy các khớp xương dễ bị đau hoặc khó cử động khi thực hiện các hoạt động hàng ngày, thăm khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa là điều bạn nên làm. Để biết chắc chắn rằng đó có phải tình trạng viêm xương khớp hay do một bệnh tự miễn do viêm nhiễm chẳng hạn.

Để phòng ngừa thoái hóa khớp, bạn nên tích cực các hoạt động thể chất nhưng tránh gắng sức có thể giúp làm dịu các cơn đau hoặc biến chứng do thoái hóa khớp. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau nếu các cơn đau gây khó chịu nhiều và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

 

5. Loãng xương

Phụ nữ cần đặc biệt chú ý đến sức khỏe mật độ xương khi bước vào tuổi 50. Đó là khi tình trạng loãng xương và sự suy giảm mật độ xương trở nên phổ biến nhất. Trên thực tế, gần 20% phụ nữ từ 50 tuổi trở lên bị loãng xương.

Tiến sĩ Lucy McBride, một bác sĩ nội khoa tại Washington D.C, giải thích rằng đó là do tình trạng mãn kinh ở nữ giới, là một trong những yếu tố nguy cơ cao gây loãng xương. Khi cơ thể ngừng sản xuất estrogen, mật độ xương sẽ giảm dần một cách tự nhiên. Theo Mayo Clinic, tuổi mãn kinh trung bình ở phụ nữ là 51 tuổi.

Các bài tập nâng cao thể trạng, tăng sức bền, tăng sức mạnh cơ bắp như đi bộ, đạp xe, dưỡng sinh, yoga có thể giúp giảm nguy cơ loãng xương. Vì vậy, bạn cũng nên chú ý đến hàm lượng Canxi và lượng vitamin D trong cơ thể, cả hai đều rất quan trọng với sức khỏe hệ cơ xương khớp.

 

6. Ung thư

Tuổi tác chính là yếu tố nguy cơ cao đối với bệnh ung thư, khám sức khỏe định kỳ và tầm soát sớm ung thư rất có ý nghĩa khi bước vào độ tuổi 50. Phụ nữ trong độ tuổi này nên chụp nhũ ảnh ít nhất hai năm một lần để tầm soát ung thư vú, nam giới nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Tầm soát ung thư đại trực tràng cũng quan trọng cả nam và nữ giới.

 

7. Lo lắng trầm cảm

Ở tuổi trung niên, chúng ta sẽ vô cùng tất bật với guồng quay của cuộc sống và gia đình. Trăm công nghìn việc với các con đang trong độ tuổi trưởng thành, áp lực sự nghiệp, chăm sóc cha mẹ cao tuổi... tất cả những điều này khiến chúng ta luôn trong trạng thái căng thẳng. Bạn biết rồi đấy, căng thẳng, stress kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất.

Nguy cơ cao phát triển các bệnh lý như tăng huyết áp, tăng cân, tăng cholesterol, tăng nguy cơ ung thư đều bắt nguồn từ những hành vi không lành mạnh. Những hành vi này lại bắt nguồn từ sức khỏe cảm xúc của chúng ta.

Khoảng 20% người trong độ tuổi từ 50 đến 55 tuổi dễ gặp phải một số dấu hiệu đáng lo ngại về sức khỏe tinh thần. Lo lắng và trầm cảm là một trong những bệnh lý phổ biến. Một cuộc khảo sát của Tổ chức Kaiser Family Foundation cho thấy, những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 chỉ làm khuyếch đại cuộc khủng hoảng tinh thần này. Trong lúc đại dịch bùng phát, khoảng 4/10 người trưởng thành ở Mỹ được báo cáo gặp phải các triệu chứng rối loạn lo âu và trầm cảm, trước đại dịch con số này là 1/10.

Nếu bạn đang cần lời khuyên đúng, bạn không nên chần chừ đến bệnh viện thăm khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa để hiểu rõ tình trạng sức khỏe khi mức độ căng thẳng không giảm, có sự thay đổi thiếu lành mạnh trong lối sống và thói quen sinh hoạt.

Bộ não cũng giống như bất kỳ cơ quan nào khác trong cơ thể. Sức khỏe tim mạch, sức khỏe tuyến vú, chức năng gan thận, tiêu hóa, cơ xương khớp, thậm chí là sức khỏe tinh thần. Tất cả đều cần chúng ta theo dõi và chăm sóc thường xuyên hơn.

 

Chú ý đến hệ thống miễn dịch của cơ thể

Khi bước vào tuổi 50, một điều lưu ý nữachúng ta cần hỏi ý kiến bác sĩ khi chủng ngừa bằng vaccine.

Vaccine trở nên quan trọng hơn ở độ tuổi từ 50 trở lên. Hệ thống miễn dịch của chúng ta bắt đầu suy yếu dần theo thời gian. Do đó, cơ thể dễ dàng phản ứng và có nhiều nguy cơ nhiễm trùng hơn.

Ngoài ra, vaccine cúm mùa được khuyến nghị nên chích ngừa hàng năm. Tùy thể trạng và điều kiện sức khỏe, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định chích ngừa thêm vaccine viêm phổi. Còn có một loại vaccine khác cũng được khuyến nghị dành cho người từ 50 tuổi trở lên là vaccine phòng bệnh thủy đậu, phòng ngừa cả các nguy cơ và biến chứng của bệnh lý này. Cuối cùng là vaccine phòng bệnh Covid-19 được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cấp phép cho sử dụng khẩn cấp. 

 

 

Bệnh viện An Sinh

Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn chuyên môn