Kiến thức y học

Tại sao tăng huyết áp không đáp ứng tốt với thuốc?

Cập nhật lúc: 2:42:06 CH - 16/04/2022

Thay đổi lối sống là tuyến phòng thủ đầu tiên nhằm chống lại bệnh tăng huyết áp. Nếu điều đó không mang lại hiệu quả cân bằng huyết áp, bác sĩ cần kê đơn thuốc điều trị ở bước tiếp theo. Điều đáng nói, khoảng 20% - 30% người bị tăng huyết áp không thể điều chỉnh huyết áp theo cách điều trị thông thường

 



 

Tăng huyết áp, còn gọi là huyết áp cao, làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Đây là hai trong số những nguyên nhân chính gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Hiện nay, ước tính gần một nửa số người trưởng thành ở Mỹ, tương đương khoảng 116 triệu người đang chung sống với tăng huyết áp và chỉ 1/4 trong số họ được kiểm soát tốt huyết áp. 

Thay đổi lối sống là tuyến phòng thủ đầu tiên nhằm chống lại bệnh tăng huyết áp. Nếu điều đó không mang lại hiệu quả cân bằng huyết áp, bác sĩ cần kê đơn thuốc điều trị ở bước tiếp theo. Điều đáng nói, khoảng 20% đến 30% người được chẩn đoán tăng huyết áp nhận thấy dường như không thể điều chỉnh chỉ số huyết áp theo cách điều trị thông thường, trong y khoa gọi tình trạng này là tăng huyết áp kháng thuốc. 

Các chuyên gia tại Đại học Y khoa Johns Hopkins định nghĩa tăng huyết áp kháng thuốc là huyết áp vượt quá mức an toàn ngay cả khi người bệnh đang sử dụng đồng thời tối đa ba loại thuốc điều trị huyết áp khác nhau theo liều khuyến cáo. Họ cho rằng những người bị tăng huyết áp kháng thuốc có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ và suy thận cao hơn đáng kể. Điều gì gây ra tình trạng nguy hiểm này và người bệnh có thể làm gì nếu tăng huyết áp không đáp ứng tốt với thuốc điều trị? 

Mời bạn đọc tiếp nội dung sau đây để tìm hiểu câu chuyện về những điều mà các nhà nghiên cứu khoa học phát hiện ra “thủ phạm” phổ biến phía sau hội chứng tăng huyết áp kháng thuốc và cách đối phó hiệu quả với tình trạng này.

 

 

Tuổi tác và béo phì làm tăng tỷ lệ tăng huyết áp kháng thuốc 

Một trong những yếu tố chính làm tăng nguy cơ tăng huyết áp kháng thuốc nằm ngoài tầm kiểm soát của tất cả chúng ta, đó chính là tuổi tác. Một công bố nghiên cứu khoa học của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau tăng huyết áp kháng thuốc, tuổi tác là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với tình trạng này. Béo phì cũng là một thủ phạm phổ biến và có thể làm tăng tỷ lệ tăng huyết áp kháng thuốc khi dân số ngày càng già đi và tỷ lệ thừa cân béo phì ngày càng tăng lên.

Những người bị bệnh thận mạn tính, đái tháo đường (tiểu đường), hội chứng ngưng thở khi ngủ cũng có nguy cơ cao bị tăng huyết áp kháng thuốc, theo Cleveland Clinic.

Các yếu tố lối sống có thể góp phần vào sự gia tăng của bệnh tăng huyết áp và tăng huyết áp không đáp ứng với điều trị nói riêng, bao gồm chế độ ăn uống giàu natri (ăn mặn), lười vận động  thể chất và uống nhiều bia rượu.

 

 

Một số trường hợp tăng huyết áp được các bác sĩ gọi là "kháng giả" 

Nếu kết quả đo huyết áp không giảm xuống mức trong giới hạn cho phép ngay cả khi đã dùng thuốc kê đơn của bác sĩ, bạn nên xem xét liệu bạn có thể bị tăng huyết áp kháng giả hay không. Đúng như tên gọi, điều này có nghĩa chỉ số huyết áp không giống như biểu hiện của nó. Điều này có thể xảy ra vì một số lý do khác, bao gồm tăng huyết áp áo choàng trắng, một số nơi còn gọi là hiệu ứng áo khoác trắng.

Trong một số trường hợp, huyết áp của một người được đo tại phòng khám bác sĩ có thể cao hơn so với bình thường, cho dù là bác sĩ hay nhân viên y tế đo huyết áp có mặc áo khoác trắng hay không.

Nếu nghi ngờ mắc hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đo và theo dõi huyết áp tại nhà hoặc đo bằng máy holter điện tim di động để theo dõi chỉ số huyết áp tối đa trong 24 giờ khi thực hiện hoạt động thường ngày

 

Kháng thuốc giả cũng có thể do kỹ thuật đo huyết áp chưa đúng, băng quấn (vòng bít) đo huyết áp không phù hợp, động mạch bị căng cứng khiến máy đo huyết áp không hoạt động chính xác, dùng thuốc không đúng hướng dẫn chỉ định của bác sĩ, dùng các loại thực phẩm chức năng hoặc các loại thuốc điều trị khác… đều có thể ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả của thuốc điều trị huyết áp, theo Johns Hopkins.

 

 

Tăng huyết áp có thể không có bất kỳ triệu chứng nào, cho đến khi diễn biến nghiêm trọng 

Tăng huyết áp không có gì đáng lo ngại. Vì triệu chứng thường diễn biến âm thầm hoặc không có bất kỳ triệu chứng nào. Bệnh lý được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng". Hầu hết mọi người không biết bản thân bị tăng huyết áp cho đến khi đi khám sức khỏe định kỳ, bị đau tim hoặc đột quỵ. Nhức đầu, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh bất thường, chóng mặt và khó thở, tất cả đều là các dấu hiệu của một cơn tăng huyết áp có thể xảy ra và cần được thăm khám bác sĩ ngay lập tức.

Nếu bạn có thói quen theo dõi huyết áp tại nhà, hãy tham khảo hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) về theo dõi và kiểm soát tốt huyết áp. Nếu đo huyết áp đúng cách, đo nhiều hơn một lần, đo cùng thời điểm vào tất cả các ngày, kết quả nhận được huyết áp tâm thu (số bên trên) cao hơn 180 hoặc huyết áp tâm trương (số bên dưới) cao hơn 120, lời khuyên dành cho bạn nên đến bệnh viện thăm khám và tư vấn bác sĩ nội tổng quát hoặc bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

 

 

Thay đổi lối sống có thể tạo ra sự khác biệt 

Cho dù tình trạng tăng huyết áp của bạn có đáp ứng tốt với thuốc hay không, đây là một số điều cần lưu ý để giữ trái tim luôn khỏe mạnh và huyết áp được kiểm soát tốt. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng chế độ ăn kiêng DASH, là chế độ ăn uống dành riêng cho người muốn quản lý bệnh tăng huyết áp, có thể điều chỉnh chỉ số huyết áp trong khoảng thời gian tối thiểu là hai tuần. Một chế độ ăn uống ít natri (hạn chế muối ăn) bao gồm ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời hạn chế các loại chất béo bão hòa như sữa béo nguyên chất và một số loại thịt nhất định.

Tập thể dục cũng có lợi trong việc kiểm soát huyết áp và hoạt động này không tốn kém nhiều như bạn nghĩ. Duy trì vận động vừa sức 30 phút mỗi ngày, đều đặn 5 ngày một tuần theo khuyến cáo, đủ điều kiện để có một cơ thể khỏe mạnh toàn diện cả thể chất và tinh thần.

Nếu thường xuyên cảm thấy căng thẳng, nhiều ngày trong tuần, hãy thử các bài tập thư giãn, nhẹ nhàng, thả lỏng tâm trí và cơ thể như tập yoga hoặc dưỡng sinh. Năm 2019, một nghiên cứu khoa học được công bố trên tạp chí PLOS One cho thấy các bài tập này có thể mang lại hiệu quả đáng mong đợi trong việc cải thiện và cân bằng huyết áp, kết quả nhận thấy rõ ở những người bị tăng huyết áp và không kiểm soát được.

 

 

Bệnh viện An Sinh (Nguồn tham khảo BestLife)

Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn chuyên khoa