Kiến thức y học

Dấu hiệu cơ thể bạn đang bị thiếu vitamin D

Cập nhật lúc: 2:11:06 CH - 29/11/2021

Vào mùa hè, khi chúng ta đi du lịch hoặc nghỉ dưỡng và dành nhiều thời gian vui chơi ngoài trời. Cơ thể của chúng ta có thể sản xuất vitamin D khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Sự thiếu hụt vitamin D chiếm một tỷ lệ lớn dân số, đặc biệt trong những tháng mùa thu và mùa đông.

 



 

 

Sự thiếu hụt vitamin D chiếm một tỷ lệ lớn dân số, đặc biệt trong những tháng mùa thu và mùa đông.

 

Vào mùa hè, khi chúng ta đi du lịch hoặc nghỉ dưỡng và dành nhiều thời gian vui chơi ngoài trời. Cơ thể của chúng ta có thể sản xuất vitamin D khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Còn những khi ngày ngắn lại và nhiệt độ xuống thấp, trời trở lên lạnh hơn, chúng ta bắt đầu dành nhiều thời gian ở trong nhà hơn. Điều này khiến các dưỡng chất thiết yếu dự trữ trong cơ thể được sử dụng tối đa nên sẽ xuất hiện tình trạng thiếu hụt vitamin D.

 

Ngoài ra, tình trạng suy dinh dưỡng, nhu cầu tăng cao trong thời kỳ mang thai hoặc giảm khả năng sử dụng vitamin D do bệnh dạ dày hoặc đường ruột cũng có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin D.

 

Nếu bạn nghi ngờ cơ thể đang thiếu hụt vitamin D, đây là các triệu chứng phổ biến:

 

Đau cơ

Đau cơ dai dẳng hoặc tái phát, đặc biệt là ở gân kheo và vòng bít ở vai có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin D. Nếu bạn nhận thấy cơn đau ở những vùng này hoặc những vùng khác, hãy ghi lại thời gian và mức độ của cơn đau trong một khoảng thời gian nhất định. Bằng cách đó, bạn có thể loại trừ chứng đau cơ tạm thời hoặc đau nhức do ngủ sai tư thế chẳng hạn. Cơn đau cơ càng cấp tính và kéo dài thì càng có khả năng bạn đang thiếu vitamin D. Hãy đi khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa.

 

Rụng tóc

Rụng tóc thường do tình trạng căng thẳng nhưng cũng có thể liên quan đến bệnh lý hoặc thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt cho tóc. Khoa học chưa làm rõ mức độ liên quan của cơ chế rụng tóc và vitamin D, nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nồng độ vitamin D thấp có liên quan đến rụng tóc.

 

Thường xuyên bị ốm

Các thụ thể vitamin D có thể được tìm thấy trong hầu hết các cơ quan và mô của chúng ta, điều này cho thấy vitamin D có ảnh hưởng lớn đến sự trao đổi chất và các chức năng của cơ thể như thế nào. Chúng cũng hỗ trợ tích cực cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Vì vậy nếu thiếu hụt vitamin D, cơ thể không đủ sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm trùng như cảm lạnh, cúm mùa, viêm mũi, viêm họng.

 

Mệt mỏi và kiệt sức

Bạn đã ngủ đủ giấc mỗi đêm nhưng vẫn luôn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức? Nếu triệu chứng này xảy ra thường xuyên hơn khi trời lạnh, có thể nguyên nhân là do cơ thể thiếu hụt vitamin D. Tốt nhất bạn nên đi khám sức khỏe và tư vấn bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân gây ra mệt mỏi và kiệt sức thường xuyên. Đó có thể là một lý do khác để có sự điều chỉnh và bổ sung dinh dưỡng hợp lý.

 

Trầm cảm

Bạn có thường cảm thấy chán nản khi thời tiết chuyển mùa? Bạn có thể đang gặp hội chứng rối loạn tâm lý theo mùa (SAD, Seasonal Affective Disorder), còn được gọi là trầm cảm mùa đông. Không quá ngạc nhiên khi tất cả chúng ta đi làm và trở về nhà trong không khí trầm lắng của những ngày trời lạnh, khiến chúng ta ít hoặc không được tận hưởng nguồn vitamin D tự nhiên từ ánh nắng mặt trời.

Vậy điều này ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta như thế nào? Vitamin D tham gia tích cực vào quá trình sản xuất serotonin và dopamine, còn được gọi là "hormone hạnh phúc". Nếu thiếu những chất này, tâm trạng có thể cảm thấy chán nản hơn bình thường.

Chế độ ăn giàu vitamin D và bổ sung thêm các dưỡng chất khác, tâm trạng cũng sẽ được cải thiện đáng kể. Nếu bạn vẫn cảm thấy lo lắng và chán nản, ngay cả khi đã thay đổi một số thói quen và chế độ dinh dưỡng, bạn hãy tìm kiếm lời khuyên từ bác sĩ để xác định các nguyên nhân tiềm ẩn khác.

 

Các nhóm nguy cơ

Sự cung cấp vitamin D không đủ nhu cầu cơ thể có thể một phần do các yếu tố theo mùa và lối sống. Nếu bạn dành phần lớn thời gian ở trong nhà, không ra ngoài nhiều hoặc không sử dụng thực phẩm giàu Vitamin D, bạn có thể có nguy cơ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng quan trọng này.

Điều đó cho thấy, một số nhóm nguy cơ có thể dễ bị tổn thương hơn so với bình thường:

Những người có làn da sẫm màu tự nhiên: Do nồng độ melanin trong da cao hơn, nên ít hấp thụ bức xạ UV hơn và do đó ít tổng hợp vitamin D khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

Người cao tuổi: Khi tuổi tác ngày càng cao, cơ thể ít có khả năng tổng hợp vitamin D khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Hơn nữa, người cao tuổi thực sự cần nhiều vitamin D hơn giúp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật, tăng mật độ xương, tăng khả năng trao đổi chất và các cơ quan quan trọng khác.

Phụ nữ mang thai: Nhu cầu vitamin D tăng lên trong thời kỳ mang thai, đặc biệt phòng ngừa nguy cơ tiền sản giật, nhẹ cân và sinh non. Vì vậy, phụ nữ mang thai được khuyến cáo nên kiểm tra nồng độ vitamin D và bổ sung các loại vitamin thiết yếu khác.

 

Phòng ngừa sự thiếu hụt vitamin D

Một tin tốt lành, sự thiếu hụt vitamin D có thể được phòng ngừa, sự thiếu hụt nhỏ có thể dễ dàng bù đắp ngay. Để bắt đầu, bạn cần tuân theo một chế độ ăn uống giàu vitamin D và thường xuyên ra ngoài trời, kể cả trong những tháng mùa đông ít nhất 20 - 30 phút mỗi ngày. Đi bộ nhanh hàng ngày quanh khu phố có thể giúp bạn đạt được điều mục tiêu này, một vài động tác thể dục đơn giản cũng rất tốt cho sức khỏe tổng thể.

Khi nói đến việc tiêu thụ thực phẩm giàu vitamin D, hãy chọn các loại cá béo (chẳng hạn như cá ngừ, cá hồi, cá thu), phô mai, sữa, sữa chua và trái cây có lượng vitamin D cao.

Hãy đi khám sức khỏe, bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định cho bạn thực hiện một số kiểm tra sức khỏe cần thiết, trong đó có kiểm tra nồng độ vitamin D nếu tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.

 

 

 

Bệnh viện An Sinh (Nguồn: MSN)