Kiến thức y học

10 cách giúp bạn quản lý huyết áp hiệu quả (phần 2)

Cập nhật lúc: 2:32:10 CH - 01/11/2021

 

Lối sống lành mạnh là luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì cơ thể khỏe mạnh toàn diện cùng với việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm, quan trọng trong cả việc điều trị cao huyết áp. Để thành công trong việc kiểm soát huyết áp, điều bạn nên làm là thay đổi những thói quen tích cực, hạn chế tối đa những ảnh hưởng không tốt đến huyết áp của bạn.

 

 



 

Quản lý tốt huyết áp là điều bạn hoàn toàn có làm được bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý và khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Mục tiêu để huyết áp luôn ở trạng thái tốt nhất với chỉ số đo được trong giới hạn bình thường theo khuyến cáo y khoa, đặc biệt là phòng ngừa nguy cơ mắc phải các bệnh lý khác do cao huyết áp gây ra.

 

Nếu bạn được bác sĩ chẩn đoán cao huyết áp, bạn sẽ có một chút lo lắng về hướng điều trị trong thời gian sắp tới, làm sao để cải thiện chỉ số huyết áp tốt hơn.

 

Lối sống lành mạnh luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì cơ thể khỏe mạnh, nhất là trong việc điều trị cao huyết áp. Để thành công trong việc kiểm soát huyết áp, điều nên làm là thay đổi những thói quen tích cực, tránh những ảnh hưởng không tốt đến huyết áp của bạn.

 

 

6. Hãy nói không hoặc bỏ hút thuốc lá

Bạn có biết huyết áp sẽ tăng trong nhiều phút sau đó khi bạn hút xong một điếu thuốc lá. Ngừng hút thuốc lá giúp huyết áp trở lại bình thường. Chắc hẳn bạn hiểu rõ những tác hại của việc hút thuốc lá đến sức khỏe tổng thể và ảnh hưởng cả những người hít phải khỏi thuốc lá. Không hoặc bỏ hút thuốc lá giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống và môi trường xung quanh, bạn sẽ sống khỏe mạnh và sống lâu hơn.

 

 

7. Giảm lượng cà phê mỗi ngày

Tác dụng của cà phê đối với sức khỏe vẫn đang được các chuyên gia y khoa tranh luận sôi nổi để tìm câu trả lời thỏa đáng về những điều có lợi và có hại của cà phê đối với sức khỏe con người. Với những người không thường xuyên uống cà phê, cà phê có thể làm huyết áp tăng tạm thời lên đến 10 mm Hg. Những người uống cà phê thường xuyên thì ít hoặc không ảnh hưởng đến huyết áp. Mặc dù những ảnh hưởng lâu dài của cà phê đối với huyết áp chưa rõ ràng, nhưng điều này cũng có thể khiến huyết áp tăng nhẹ.

 

Một cách để kiểm tra xem cà phê có thực sự làm tăng huyết áp của bạn hay không, hãy đo huyết áp trong khoảng 30 phút sau khi bạn uống một ly cà phê. Nếu huyết áp có tăng từ 5 đến 10 mm Hg thì điều này chứng tỏ huyết áp của bạn có thể nhạy cảm với cà phê. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu cà phê có những ảnh hưởng nhất định lên huyết áp của bạn.

 

 

8. Quản lý tốt căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày

Căng thẳng quá mức cũng góp phần làm cao huyết áp. Nhiều nghiên cứu y khoa có quy mô lớn vẫn đang được thực hiện với mục đích xác định những tác động của căng thẳng kéo dài đối với huyết áp. Đôi khi, những phản ứng của cơ thể nhằm chống lại sự căng thẳng cũng khiến huyết áp tăng cao dẫn đến việc ăn uống không lành mạnh, uống rượu bia hoặc hút thuốc lá nhiều hơn bình thường.

 

Hãy dành một chút thời gian để tìm hiểu những nguyên nhân luôn khiến bạn cảm thấy căng thẳng, chẳng hạn như công việc, gia đình, tài chính hoặc bệnh tật. Khi bạn đã biết chính xác điều gì gây ra căng thẳng cho bạn, hãy tìm cách loại bỏ hoặc kiểm soát chúng tốt hơn.

 

Nếu bạn không thể loại bỏ các yếu tố gây căng thẳng thì bạn nên lựa chọn cách thích ứng lành mạnh hơn:

 

Thay đổi những mong đợi của bạn: Lên kế hoạch những công việc cần làm cho một ngày và tập trung vào những điều bạn ưu tiên. Tránh cố gắng làm quá nhiều việc cùng một lúc và học cách nói không nếu bạn không thể thực hiện điều gì đó. Hãy hiểu rằng có một số điều bạn không thể thay đổi hoặc kiểm soát, nhưng bạn có thể thay đổi cách bạn phản ứng với những sự việc đang diễn ra.

 

Tập trung vào những việc bạn có thể kiểm soát và làm tốt: Nếu bạn đang gặp vấn đề trong công việc, hãy thử nói chuyện với người quản lý của bạn. Nếu bạn đang có xung đột với con cái hoặc vợ hoặc chồng của bạn, hãy chủ động trò chuyện, bày tỏ những vướng mắc mà bạn chưa biết cách tháo gỡ đế cùng nhau tìm cách hóa giải và làm lành.

 

Hạn chế tối đa những tác nhân gây căng thẳng: Chẳng hạn như nếu bạn thường xuyên bị kẹt xe khi đi làm vào giờ cao điểm, thời gian chờ đợi lâu trên đường khiến bạn căng thẳng thì hãy thử đi làm sớm hơn hoặc sử dụng các phương tiện giao thông khác. Điều này có thể làm bạn thoải mái hơn.

 

Dành thời gian cho những điều bạn yêu thích: Hãy dành một ít thời gian trong ngày để ngồi yên lặng và hít thở sâu, cơ thể và não bộ của bạn được thả lỏng, giải phóng những năng lượng không lành mạnh trong suốt một ngày bận rộn. Và bạn cũng nên dành thời gian cho các hoạt động yêu thích như tập thể dục, dạo bộ trong công viên vừa hít thở không khí trong lành vừa tắm nắng để cơ thể có cơ hội hấp thụ nguồn vitamin D tự nhiên, nấu những bữa cơm cho gia đình…

 

Luôn biết nói lời cảm ơn: Bày tỏ lòng biết ơn và nói lời cảm ơn khi được người khác giúp đỡ cũng là một trong những liệu pháp chữa lành vô cùng hiệu quả, có tác dụng tích cực trong việc giải tỏa sự căng thẳng, lo lắng, tăng sự thấu cảm, dễ dàng tha thứ và bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc thực sự.

 

 

9. Khám sức khỏe định kỳ và theo dõi huyết áp thường xuyên

Tự theo dõi huyết áp tại nhà sẽ giúp bạn kiểm soát huyết áp tốt hơn. Mặc dù không thể thay thế việc thăm khám sức khỏe định kỳ nhưng bạn có thể chủ động thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt một cách lành mạnh, nhận biết sớm các dấu hiệu nguy cơ có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tổng thể. Máy đo huyết áp cá nhân được bán rộng rãi tại các nhà thuốc, bạn có thể tìm mua và đừng quên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để chọn mua loại máy đo huyết áp phù hợp, được hướng dẫn đo đúng cách và theo dõi huyết hiệu quả.

 

Khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng hoặc một năm một lần đều đặn hàng năm là chìa khóa giúp bạn luôn duy trì cơ thể khỏe mạnh toàn diện cả thể chất và tinh thần, đặc biệt là quản lý huyết áp tốt hơn. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn thời điểm và số lần bạn cần đo huyết áp trong ngày hoặc có những thay đổi cần thiết trong quá trình điều trị nếu bạn bị cao huyết áp.

 

 

10. Đừng quên chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt và sẵn sàng hỗ trợ những người khác

Sống khỏe mạnh và hạnh phúc luôn là điều mong muốn của tất cả chúng ta. Sức khỏe tổng thể được xem như một bức tranh sinh động, mỗi chức năng trong cơ thể đều có mối liên hệ mật thiết, gắn kết chặt chẽ với nhau và không thể tách rời. Mỗi người sẽ có cách chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bản thân và gia đình. Không có công thức nào là hoàn hảo nhưng có một công thức chung phù hợp cho tất cả là hãy luôn duy trì lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, tích cực vận động thể chất, hạn chế chất kích thích, dầu mỡ, muối, bột đường… Điều quan trọng nhất là bạn đừng bỏ qua việc khám sức khỏe định kỳ hàng năm và tầm soát sớm một số bệnh thường gặp như cao huyết áp, đái tháo đường, ung thư.

 

Ý tưởng tham gia vào một nhóm cộng đồng lành mạnh cũng là một cách hay giúp bạn có thêm nhiều kiến thức, nhận được nhiều chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ người thật việc trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân và những thành viên trong gia đình. Đó chính là bí quyết giúp gia đình bạn luôn khỏe mạnh và hạnh phúc.

 

 

 

 

Bệnh viện An Sinh

Thông tin tham khảo không thay thế cho việc thăm khám và tư vấn chuyên môn