Kiến thức y học

#COVID19 và tăng huyết áp, bạn có phải là người nguy cơ?

Cập nhật lúc: 4:09:44 CH - 14/06/2021

Sự thật #COVID19 không loại trừ độ tuổi nào, bất kỳ ai cũng đều có nguy cơ như nhau. Việt Nam đang trong làn sóng dịch bệnh thứ 4 với tốc độ lây nhiễm nhanh trong cộng đồng.

 



 

 

Sự thật #COVID19 không loại trừ độ tuổi nào, bất kỳ ai cũng đều có nguy cơ như nhau. Việt Nam đang trong làn sóng dịch bệnh thứ 4 với tốc độ lây nhiễm nhanh trong cộng đồng. Những trường hợp diễn biến nặng, nguy cơ tử vong thường tập trung chủ yếu vào nhóm đối tượng cao tuổi, có bệnh lý nền từ trước như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, ung thư, bệnh lý hô hấp mạn tính… vốn khả năng đề kháng của hệ thống miễn dịch cơ thể đã bị suy giảm. 

 

Người bị nhiễm #COVID19 thường có dấu hiệu mệt mỏi, sốt, ho khan, đau họng, đau nhức cơ, mất khứu giác, mất vị giác… hoặc không có bất kỳ dấu hiệu nào đang ngày càng phổ biến.

 

Một số báo cáo khoa học ghi nhận từ những kết quả nghiên cứu được công bố gần nhất cho thấy tăng huyết áp nếu không được kiểm soát tốt và điều trị có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể hơn so với người bị tăng huyết áp được kiểm tra sức khỏe định kỳ và tuân theo chỉ dẫn điều trị của bác sĩ. 

 

Điều quan trọng nhất bạn có thể làm là kiểm soát tốt huyết áp để bảo vệ bản thân trước nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe do tăng huyết áp gây ra, đặc biệt trong thời điểm dịch #COVID19 diễn biến phức tạp. 

 

Thay đổi lối sống lành mạnh kết hợp dùng thuốc đúng và đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ giúp phòng ngừa và giảm biến chứng do tăng huyết áp gây ra. Chích ngừa vắc xin phế cầu khuẩn giúp ngăn ngừa tình trạng viêm phổi trở nên tồi tệ nếu mắc phải #COVID19. Bạn cũng nên chích ngừa vắc xin cúm, các triệu chứng của bệnh cúm mùa rất dễ nhầm lẫn với #COVID19, điều này có thể khiến các bác sĩ khó chẩn đoán hơn.

 

 

Quản lý tốt tăng huyết trong mùa đại dịch #COVID19

 

Nếu bị tăng huyết áp, bạn cần thận trọng hơn để bảo vệ sức khỏe bản thân trong những lần đại dịch bùng phát. Một số gợi ý giúp bạn chủ động thay đổi lối sống và kiểm soát huyết áp tốt hơn: 

 

Tuân thủ 5K (Khai báo y tế, khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, không tập trung đông người).

 

Ưu tiên chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe tim mạch, duy trì chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm, cá và các loại thực phẩm từ sữa ít béo.

 

Giảm lượng muối trong mỗi bữa ăn hàng ngày, lý tưởng nhất là 1,5gr mỗi ngày hoặc ít hơn.

 

Vận động thể chất, tập thể dục vừa sức dù chỉ 15 phút mỗi ngày.

 

Hãy giảm cân nếu đang trong tình trạng thừa cân béo phì.

 

Quản lý tốt căng thẳng, giải tỏa những lo lắng, áp lực không mong muốn trong mùa đại dịch.

 

Nên ở nhà, hạn chế tiếp xúc với những người khác.

 

Tránh hoặc hạn chế rượu bia, không hoặc bỏ hút thuốc.

 

Giữ gìn vệ sinh không gian sống, mở cửa thông thoáng tận dụng gió trời, hạn chế sử dụng điều hòa.

 

Thay đổi lối sống lành mạnh, dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ kết hợp tự theo dõi huyết áp hàng ngày. Luôn gần gũi, giữ kết nối và chia sẻ với các thành viên trong gia đình.

 

Cập nhật tin tức giúp chủ động tích cực phòng chống dịch bệnh #COVID19, nhưng hãy giới hạn thời gian phù hợp để không ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và chất lượng giấc ngủ mỗi tối.  

 

 

Bệnh viện An Sinh