Kiến thức y học

Dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe khi mang thai

Cập nhật lúc: 9:43:14 SA - 19/01/2021

Dinh dưỡng khoa học đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, đặc biệt là trong thời gian mang thai và sinh con. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng các nhóm chất là cách tốt nhất để thai nhi có một khởi đầu hoàn hảo và hỗ trợ cho quá trình mang thai diễn ra an toàn và dễ chịu hơn

 




 

Dinh dưỡng khoa học đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, đặc biệt là trong thời gian mang thai và sinh con. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng các nhóm chất là cách tốt nhất để thai nhi có một khởi đầu hoàn hảo và hỗ trợ cho quá trình mang thai diễn ra an toàn và dễ chịu hơn.


 

Chế độ sinh hoạt và làm việc hợp lý


Khi mang thai nên vận động nhẹ nhàng, không nên nghỉ ngơi thụ động. Làm việc theo khả năng, không được làm việc quá sức. Nên nghỉ giải lao trong thời gian làm việc. Hạn chế đi xa.


Đảm bảo ngủ mỗi ngày ít nhất 8 giờ, nên ngủ trưa 30 phút đến 1 giờ.


Giữ cuộc sống tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu phiền muộn. Giữ môi trường sống trong lành, thoáng đãng, giữ ấm, tránh lạnh, tránh khói thuốc lá, tránh bụi bẩn…



Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và an toàn trong chế biến, bảo quản, sử dụng


Dinh dưỡng và sự phát triển của trẻ phụ thuộc vào dinh dưỡng của mẹ do đó phụ nữ mang thai không nên kiêng khem. Bữa ăn cần thực phẩm đa dạng và đầy đủ chất dinh dưỡng.


Nên ăn nhiều rau quả. Chọn các loại thực phẩm tươi, sạch, có giá trị dinh dưỡng cao. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh sạch sẽ, nấu chín trước khi ăn.


Không nên dùng các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá. Hạn chế gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi, giấm.


Nếu bị nghén nên chia nhỏ bữa ăn và rải đều trong ngày. 



Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng


Nguồn dinh dưỡng bảo đảm cung cấp năng lượng: 1.800 - 2.400kcal/ ngày.


Thức ăn phải đầy đủ các thành phần, chất đạm (từ thịt, sữa, trứng, thủy sản, tôm, cua…), chất béo (từ mỡ động vật, dầu đậu nành, dầu đậu phọng, dầu mè, mỡ cá…) chất bột đường (từ gạo, bắp, yến mạch…).   


Tốc độ tăng cân nên duy trì:

  • 0.4 kg/ tuần trong 3 tháng giữa thai kỳ.
  • 0.5 kg/ tuần trong 3 tháng cuối thai kỳ đối với phụ nữ có cân nặng thấp trước khi mang thai.
  • 0.3 kg/ tuần trong 3 tháng cuối thai kỳ đối với phụ nữ có thừa cân trước khi mang thai. 

  


Bổ sung đủ khoáng chất


Khi mang thai cần bổ sung 60mg sắt nguyên tố/ngày, canxi 800 - 1.200 mg/ngày, kẽm 10 mg/ngày, i-ốt 220 mcg/ngày.


Để đảm bảo bổ sung đầy đủ khoáng chất cho nhu cầu phát triển của thai, cần tuân thủ lời khuyên của bác sỹ chỉ định và hướng dẫn trong quá trình khám và quản lý thai. Ngoài ra có thể bổ sung bằng chế độ dinh dưỡng nhiều thịt, trứng, tôm, cá, rau quả…


 

 

Bổ sung đủ vitamin 

 


Khi mang thai cần bổ sung  Acid Folic 400 - 600 µg /ngày, Vitamin A 650 - 800 µg /ngày, Vitamin D 10 - 20 µg/ngày và  Vitamin nhóm B1, B2, C…


Để đảm bảo bổ sung đầy đủ Vitamin cho nhu cầu phát triển của thai, cần bổ sung các loại Vitamin được bác sỹ chỉ định và hướng dẫn trong quá trình khám và quản lý thai. Ngoài ra có thể bổ sung bằng chế độ dinh dưỡng giàu Vitamin cần thiết cho thai nhi từ trứng, sữa, rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt; các loại củ quả có màu (cà rốt, bí đỏ, gấc, xoài) … 

 

 

 

 

 

Bệnh viện An Sinh