Kiến thức y học

Cách làm giảm triệu chứng phù chân trong thời kỳ mang thai

Cập nhật lúc: 2:43:16 CH - 02/11/2020

Phù chân là hiện tượng sinh lý bình thường ở phụ nữ mang thai. Có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Tùy vào cơ địa ở mỗi người mẹ mà triệu chứng này sẽ xuất hiện ở những khoảng thời gian khác nhau, thường gặp nhất là vào tháng thứ 5 hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ... 

 



 

 

Phù chân là hiện tượng sinh lý bình thường ở phụ nữ mang thai. Có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Tùy vào cơ địa, tình trạng sức khỏe mà triệu chứng này sẽ xuất hiện ở những khoảng thời gian khác nhau, thường gặp nhất là vào tháng thứ 5 hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ khi thai nhi đã phát triển lớn trong bụng mẹ. 

 

Các dấu hiệu phù chân khi mang thai

  • Bàn chân sưng to;
  • Chân có cảm giác nặng;
  • Mang giày, dép cảm thấy chật hơn bình thường;
  • Thấy lõm khi dùng tay ấn phía trước xương cẳng chân.

 

 

Bật mí cho phụ nữ mang thai một số cách giúp làm giảm nhẹ triệu chứng sưng phù chân trong thai kỳ:

 

1/ Giảm lượng muối trong mỗi bữa ăn

Một cách dễ dàng và hiệu quả nhất để giảm tình trạng sưng chân khi mang thai là hạn chế tối đa lượng muối trong bữa ăn. Do muối làm cơ thể giữ nước dẫn đến tình trạng phù. Bạn cũng cần tránh những loại thực phẩm đóng hộp chứa rất nhiều muối.

 

2/ Bổ sung thêm các thực phẩm chứa kali

Kali có vai trò giúp cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể. Nếu cơ thể thiếu kali sẽ làm cho tình trạng phù chân thêm nghiêm trọng. Một số loại thực phẩm giàu kali có trong cá hồi, các loại rau lá xanh, trái cây, khoai tây, sữa chua… Bạn cũng nên thận trọng nếu có cơ địa dị ứng với thực phẩm.

 

3/ Hạn chế tối đa lượng caffeine

Nghiên cứu khoa học cho thấy caffeine không có lợi cho sức khỏe phụ nữ mang thai. Không chỉ ảnh hưởng đến thai nhi mà đến cả thai kỳ cho dù người mẹ chỉ uống một lượng nhỏ không quá 200mg một ngày. Ngoài ra, caffeine còn làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, làm cho cơ thể người mẹ cảm thấy bồn chồn và mất ngủ. Các loại thảo dược lành tính là một lựa chọn thay thế tốt hơn cho sức khỏe mang thai.

 

4/ Uống nước nhiều hơn 

Các chuyên gia y khoa khuyên rằng phụ nữ mang thai nên uống từ 8 đến 10 ly nước mỗi ngày và duy trì đều đặn trong suốt thai kỳ. Nước không chỉ giúp đào thải độc tố ra khỏi cơ thể mà còn giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động tốt hơn, tránh tình trạng tích lũy chất lỏng gây sưng phù nề, đặc biệt là ở đôi chân.

 

5/ Gác chân lên cao 

Bất cứ khi nào có thời gian, bạn hãy đặt gác chân trên một chiếc ghế cao hoặc một chiếc gối mềm để đôi chân được nghỉ ngơi, thả lỏng… Bạn nên thay đổi tư thế thường xuyên giúp máu lưu thông tốt hơn, không nên ngồi hoặc đứng lâu trong một thời gian dài.

 

6/ Massage cho đôi chân 

Massage chân cũng là một cách làm giảm sưng cực kỳ tốt, giúp lưu thông máu và chất dịch cơ khớp trong cơ thể, giúp tình trạng sưng phù trở nên dễ chịu hơn. Trong khi thực hiện, bạn có thể thêm một ít tinh dầu oải hương hoặc bạc hà để có trải nghiệm thư giãn.

 

7/ Nằm ngủ nghiêng về phía bên trái

Nằm ngủ nghiêng về phía bên trái sẽ tạo ra ít áp lực lên các tĩnh mạch dẫn máu đến tim từ các bộ phận của cơ thể. Tư thế ngủ này giúp máu huyết lưu thông tốt hơn. Bạn có thể kết hợp biện pháp này với việc kê cao chân khi ngủ để tăng hiệu quả giảm sưng phù ở bàn chân.

 

8/ Tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày 

Tập thể dục giúp quá trình lưu thông máu trong cơ thể diễn ra trôi chảy hơn. Bạn nên duy trì việc tập thể dục mỗi ngày bằng các bài tập vừa sức, đơn giản như đi bộ. Các cử động nhẹ nhàng giúp tăng tuần hoàn, giảm sưng phù và giúp phòng ngừa cả triệu chứng chuột rút. Nếu cần bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có lời khuyên tốt nhất.

 

9/ Chọn giày đế bệt phù hợp

Bạn nên tránh mang giày cao gót hoặc giày quá chật trong thời gian mang thai. Các loại giày bệt, rộng rãi, thoáng mát giúp cho việc di chuyển, đi lại, vận động dễ dàng và thoải mái hơn.

 

10/ Chườm lạnh

Chườm lạnh giúp giảm đau do sưng phù gây ra và làm cho các khớp cử động dễ dàng hơn. Bạn có thể dùng một miếng gạc lạnh, bọc đá trong khăn tay nhỏ hoặc mua túi chườm ở hiệu thuốc có thể sử dụng nhiều lần… đặt lên phần chân bị phù khoảng 10-15 phút. 

 

11/ Cơ thể cần làm được mát

Thân nhiệt tăng có thể làm tình trạng phù chân khi mang thai trở nên nặng nề. Bạn không nên ra ngoài khi nhiệt độ cao hoặc ở ngoài trời nắng quá lâu. Bạn cũng có thể bổ sung thêm một số thực phẩm giải nhiệt giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn. 

 

12/ Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh và cân bằng 

Yếu tố dinh dưỡng là nguyên nhân hàng đầu gây hiện tượng sưng phù chân. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng sẽ phòng ngừa được triệu chứng sưng phù chân khi mang thai. Đừng quên tăng cường các loại rau lá xanh, củ quả, trái cây, thực phẩm giàu potassium (kali) trong mỗi bữa ăn hàng ngày.

 

 

Phụ nữ mang thai cần đến bệnh viện để được thăm khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa ngay khi có những biểu hiện sau đây:

  • Đau nhức dữ dội ở vùng bị sưng;
  • Sưng đỏ và lan rộng;
  • Xuất hiện những vệt đỏ ở chân;
  • Biểu hiện sưng tấy không thuyên giảm trong vòng 24 giờ;
  • Chân không chịu đựng được sức nặng của cơ thể;
  • Đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục nhưng không hiệu quả.

  

 

Bệnh viện An Sinh