Tin bệnh viện An Sinh

Hành trình hạnh phúc

Cập nhật lúc: 9:18:32 SA - 22/05/2019

“Đứa con là của trời cho” Thế nhưng với vợ chồng anh Trí* chị Thương*, ước mơ nhỏ bé ấy phải trải qua biết bao khó khăn thử thách. Câu chuyện của vợ chồng anh chị trên hành trình ròng rã sáu năm tìm hy vọng có một đứa con khi biết nguyên nhân vô sinh của mình là rất hiếm: Tinh trùng đầu tròn (Globozoospermia).



 

Chị Thương là y tá một bệnh viện huyện, còn anh Trí là kỹ sư, hai vợ chồng sống tại thành phố thủ đô Hà Nội. Lập gia đình từ năm 2008, thế nhưng sau gần một năm mong con mà vẫn không được, hai anh chị đã đến một bệnh viện lớn để khám về hiếm muộn. Sau khi làm các xét nghiệm thăm dò khả năng sinh sản của cả hai, bác sĩ kết luận vô sinh do anh Trí bị tinh trùng dị dạng không có men acrosome (tinh trùng đầu tròn). Kể từ đó hai người đã biết hoàn cảnh mình muốn có con cần phải nhờ sự can thiệp của y học - đó là làm thụ tinh trong ống nghiệm (TTON).

 

Cứ nghĩ rằng thực hiện TTON sẽ có con, nhưng hy vọng đó ngày càng xa dần đối với vợ chồng anh Trí, khi thực hiện TTON tại các trung tâm lớn về Hỗ trợ sinh sản với hai lần chọc hút trứng và ba lần chuyển phôi mà không có kết quả. Khi tinh thần của vợ chồng anh Trí sắp rơi vào tuyệt vọng thì đầu năm 2015, khi đọc báo biết được tại Đơn vị Hỗ trợ sinh sản An Sinh (IVFAS) đã điều trị cho một cặp vợ chồng có nguyên nhân tương tự thành công với một em bé ra đời khỏe mạnh, họ đã tìm đến chúng tôi như hy vọng cuối cùng.

 

Tháng ba năm 2015, anh Trí và chị Thương đã đến gặp chúng tôi để tư vấn, chúng tôi cảm nhận được sự lo lắng cũng như trải nghiệm của hai người về vấn đề họ phải đối mặt. Dù biết rằng tiên lượng những ca này là rất khó, nhưng với kinh nghiệm và sự tự tin về đội ngũ nhân viên Labo giàu kinh nghiệm, chúng tôi thuyết phục được hai vợ chồng làm TTON một lần nữa với chính tinh trùng và trứng của chính mình.

 

Ngày báo kết quả phôi cho gia đình anh Trí thật áp lực khi nhận được kết quả là 13 trứng – 7 phôi. Trong đó chỉ có hai phôi loại 2, điều này có nghĩa hai vợ chồng anh chỉ có một cơ hội chuyển phôi. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, với hoàn cảnh này nên thực hiện chuyển phôi trữ. Kế hoạch được thảo luận với vợ chồng anh là chuyển ba phôi loại 3 khá nhất và trữ hai phôi loại 2 để tận dụng hết cơ hội, dù biết rằng cơ hội có thai cho lần chuyển phôi này là rất thấp.

 

Sau 14 ngày chuyển phôi, đáng tiếc rằng kết quả là không có thai, với chúng tôi thì kết quả này dường như đã được dự liệu trước, còn với gia đình anh Trí chị Thương thì dù rất tin tưởng vào chúng tôi và đã biết trước cơ hội là rất nhỏ, nhưng kết quả này vẫn làm họ hụt hẫng, buồn phiền. Tuy nhiên, được sự động viên nhiệt tình và tư vấn tận tụy của bác sĩ, anh Trí và chị Thương quyết định quay trở lại chuyển phôi trữ sau một tháng. Và ông trời rồi cũng không phụ lòng người chân thành, kết quả đến với hai vợ chồng trên cả mong đợi khi siêu âm là thai song sinh.

 

Sau đó ít lâu, chúng tôi nhận được tin từ gia đình anh Trí chị Thương là đã sinh hai bé khỏe mạnh, phát triển tốt, đó là một niềm vui vô cùng lớn đối với tập thể y bác sĩ tại IVFAS và cũng là bằng chứng và động lực tuyệt vời để chúng tôi vững tay tiếp tục giúp sức đem đến những thiên thần nhỏ cho những gia đình khác.

 

*Tên của nhân vật đã được thay đổi.

Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện An Sinh (IVFAS)

Lầu 3 nhà A, 10 Trần Huy Liệu, Q. Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 3845 7777 – máy lẻ 155, 156, 157, 158

Các tin tức khác:
[Trở về]