Tin bệnh viện An Sinh

Bệnh viện An Sinh tập huấn “Hướng dẫn phòng, chẩn đoán, và xử trí phản vệ" năm 2018

Cập nhật lúc: 4:27:10 CH - 13/08/2018

Trong 2 ngày, ngày 8 và 9/8/2018, Bệnh viện An Sinh đã tổ chức tập huấn "Hướng dẫn phòng, chẩn đoán, và xử trí phản vệ" năm 2018 cho toàn thể cán bộ nhân viên bệnh viện. Đây là một trong những chương trình tập huấn rất được Ban lãnh đạo Bệnh viện An Sinh chú trọng quan tâm. Chương trình được tổ chức theo định kỳ mỗi năm một lần, nhằm nâng cao năng lực về xử trí sốc phản vệ, giúp hạn chế tai biến và giảm tỷ lệ tử vong do sốc phản vệ.



 

Sốc phản vệ là một trong những phản ứng dị ứng cấp tính nguy hiểm nhất, gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của hệ hô hấp, tuần hoàn, thần kinh… Diễn tiến lâm sàng phong phú, đột ngột, phức tạp, khó lường trước, và có thể dẫn đến tử vong chỉ trong vòng vài phút, nhưng nếu được phát hiện cấp cứu kịp thời và đúng cách, thì cơ hội cứu sống người bị sốc phản vệ sẽ rất cao. 

Phát biểu tại chương trình tập huấn, TS. BS. Trần Quang Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện An Sinh nhấn mạnh: “Phát hiện sớm và xử trí sốc phản vệ kịp thời sẽ mang lại sự an toàn và yên tâm cho người bệnh. Nhiều trường hợp không xác định được chính xác nguyên nhân gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị. Chính vì vậy, Ban Giám đốc Bệnh viện An Sinh tổ chức chương trình tập huấn này cho toàn thể cán bộ nhân viên bệnh viện có cơ hội được ôn lại kiến thức nền tảng, tích lũy thêm kinh nghiệm trong xử trí phản vệ, nâng cao trình độ và kỹ năng chuyên môn. Từ việc nhận biết sớm các tình huống phức tạp và sẵn sàng cấp cứu kịp thời hiệu quả là việc quan trọng.”  

Chương trình tập huấn “Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ” năm nay vinh dự được sự hướng dẫn của BS. CKII. Nguyễn Đức Thành - Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) Bệnh viện Quân y 175. Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, BS. CKII. Nguyễn Đức Thành đã chia sẻ nhiều tình huống xử trí phản ứng phản vệ khó nhận biết, cùng kinh nghiệm thực tế trong quá trình điều trị, đặc biệt là truyền đạt Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế: “Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ”.

 

Nội dung chương trình tập huấn bao gồm: Hướng dẫn chẩn đoán phản vệ, mức độ phản vệ, xử trí cấp cứu phản vệ, xử trí phản vệ trong một số trường hợp đặc biệt như: phản vệ trên phụ nữ có thai, phản vệ ở trẻ nhỏ, phản vệ ở người già, phản vệ trên người bệnh đang dùng thuốc chẹn thụ thể Beta, phản vệ trong quá trình gây tê - gây mê, phản vệ do gắng sức, hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị y tế, khai thác tiền sử dị ứng, mẫu thẻ theo dõi dị ứng, các lưu ý và khuyến cáo theo quy trình kỹ thuật test da, sơ đồ chẩn đoán và xử trí phản vệ, cách sử dụng Adrenalin với người bệnh có phản ứng phản vệ.

 

Trong phác đồ xử trí sốc phản vệ cụ thể có thể khác nhau tùy vào tình huống người bệnh mắc phải. Nhưng Adrenalin tiêm bắp vẫn là liệu pháp điều trị cơ bản và có tính chất sống còn đối với người bệnh. Do vậy, Adrenalin cần được chuẩn bị trước ở tất cả các tình huống có nguy cơ xảy ra sốc phản vệ. Về cơ chế, Adrenalin tác động lên các thụ thể thần kinh giao cảm giúp giải quyết hầu hết các triệu chứng của sốc phản vệ. Thuốc cần được sử dụng sớm nhất có thể.

 

Sốc phản vệ vẫn là thách thức của nền y học hiện đại, không chỉ trong nước mà còn cả thế giới. Đã có rất nhiều nghiên cứu làm thế nào để phát hiện người dị ứng với thuốc hoặc một hóa chất nào đó khi đưa vào cơ thể điều trị. Tuy nhiên, đến nay mọi biện pháp vẫn chưa thể tìm hết được. Vì thế, phác đồ cấp cứu sốc phản vệ được xem là phao cứu sinh giúp tăng cường nỗ lực cứu sống người bệnh trong tình huống sốc phản vệ. Thực tế, một số trường hợp, dù đã được áp dụng đúng phương pháp cấp cứu nhưng vẫn không thể cứu sống được người bệnh do phản ứng cơ địa của từng cơ thể khác nhau.

 

Trước khi kết thúc chương trình tập huấn, tập thể cán bộ nhân viên Bệnh viện An Sinh có một bài trắc nghiệm trong thời gian 15 phút, như một hình thức kiểm tra và đánh giá năng lực lĩnh hội kiến thức ngay tại chỗ. Thông qua các chương trình tập huấn, Ban Giám đốc Bệnh viện An Sinh mong muốn sẽ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc và phục vụ người bệnh một cách toàn diện. Tạo nên một môi trường làm việc khoa học, an toàn, chất lượng, hiệu quả và nhất là đem đến sự hài lòng cho người bệnh khi đến kiểm tra sức khỏe và điều trị tại Bệnh viện An Sinh.

 

Một số nội dung cần lưu ý trong Thông tư 51/2017

  • Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản có thể gây tử vong trong vòng một vài phút. 
  • Thông tư hướng dẫn về phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ, và được áp dụng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. 
  • Thông tư quy định rõ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bác sĩ, nhân viên y tế phải đảm bảo các nguyên tắc dự phòng phản vệ: Chỉ định đường dùng thuốc phù hợp nhất, chỉ tiêm khi không sử dụng được đường dùng khác. 
  • Không phải thử phản ứng cho tất cả thuốc trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ theo hướng dẫn của thông tư, khi thử phản ứng phải được thực hiện ở chuyên khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng hoặc bác sĩ đã được tập huấn có chứng chỉ và phải có đầy đủ dung dịch chuẩn, dung dịch chứng cũng như sẵn sàng thuốc và trang thiết bị để xử trí phản vệ (các đơn vị y tế không có đủ các điều kiện trên thì không được tiến hành thử phản ứng). 
  • Phải khai thác kỹ thông tin tiền sử dị ứng của bệnh nhân, ghi vào phiếu và lưu vào hồ sơ bệnh án. 
  • Không được kê đơn thuốc, chỉ định dùng thuốc hoặc dị nguyên đã biết rõ gây phản vệ cho người bệnh. Trường hợp không có thuốc thay thế phù hợp mà cần dùng thuốc hoặc dị nguyên đã gây phản vệ cho người bệnh phải hội chẩn chuyên khoa dị ứng – miễn dịch lâm sàng hoặc do bác sĩ đã được tập huấn về phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ để thống nhất chỉ định và phải được sự đồng ý bằng văn bản của người bệnh hoặc đại diện hợp pháp của người bệnh. 
  • Tất cả các trường hợp phản vệ phải được báo cáo về Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc. 
  • Theo Thông tư, Adrenalin là thuốc thiết yếu, quan trọng hàng đầu, sẵn có để sử dụng cấp cứu phản vệ. Bác sĩ, nhân viên y tế phải nắm vững kiến thức và thực hành được cấp cứu phản vệ theo phác đồ (các nhân viên y tế khác ngoài bác sĩ được quyền tiêm bắp Adrenalin từ phản vệ mức độ nặng trở lên khi chưa có bác sĩ). 
  • Triển khai hộp thuốc cấp cứu phản vệ, sơ đồ chẩn đoán và xử trí phản vệ tại các đơn vị sử dụng thuốc cho người bệnh. Luôn sẵn sàng xử trí kịp thời, đúng phác đồ nếu có phản vệ xảy ra. 
  • Tất cả các trường hợp phản vệ phải được báo cáo về Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc hoặc Trung tâm Khu vực TP.HCM về Thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc theo quy định hiện hành…
      

Sau đây là một số hình ảnh trong chương trình tập huấn “Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ” năm 2018 tại Bệnh viện An Sinh:

  

  

  

  

  

  

 

 

Bệnh viện An Sinh