Kiến thức y học

Những điều cần biết về khám phụ khoa cho nữ chưa có gia đình

Cập nhật lúc: 2:47:39 CH - 01/08/2018

Theo khuyến cáo, các chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa theo định kỳ 6 tháng hoặc ít nhất 1 năm một lần. Nhưng các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa có thể bất thình lình xuất hiện mà không báo trước, không loại trừ đối tượng hay độ tuổi nào. Nguyên nhân có thể xuất phát từ thói quen vệ sinh chưa tốt hay quá sạch, lạm dụng kháng sinh, chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý, mặc đồ lót quá chật và chất liệu thấm hút kém...




Việc khám phụ khoa đối với các chị em phụ nữ, nhất là các em gái chưa có gia đình hoặc chưa có quan hệ tình dục là một điều khá tế nhị. Tâm lý chung thường lo ngại, ngượng ngùng khi có người đụng chạm vào “khu vực cấm”. Thực tế khi khám, bác sĩ sẽ chỉ thực hiện thăm khám bên ngoài, tuyệt đối không can thiệp sâu bên trong nên các chị em gái đừng quá lo lắng.

 

Trong một số trường hợp, nếu có các dấu hiệu nghi ngờ viêm nhiễm phụ khoa, khí hư tăng tiết hoặc chảy máu âm đạo bất thường thì vẫn cần can thiệp sâu bên trong vùng kín (nhưng phải có sự đồng ý trước khi thực hiện), vì mục đích phát hiện chuẩn xác bệnh lý để kịp thời xử trí. Đây được xem là một trong những cách bảo vệ sức khỏe sinh sản tốt nhất và để đảm bảo cho hạnh phúc gia đình trong tương lai.

 

 

 

 

Quy trình khám phụ khoa cho nữ chưa có gia đình (chưa có quan hệ tình dục)

 

 

 

1. Bác sĩ sẽ thăm hỏi bạn về lý do bạn đến khám, tiền sử bệnh phụ khoa và bệnh nói chung, lối sống sinh hoạt hàng ngày, các yếu tố di truyền trong gia đình… Bạn càng cung cấp thông tin chi tiết bao nhiêu thì việc thăm khám sẽ càng có lợi cho bạn bấy nhiêu.

 

 

2. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra vùng bụng ở tư thế nằm sản khoa. Xác định xem bạn đã từng phẫu thuật vùng bụng chưa, có dịch cổ trướng, tuần hoàn bàng hệ nếu có bệnh lý về gan mật, có khối u hay không, nếu có thì cần xác định vị trí và kích thước khối u.

 

3. Khám bộ phận sinh dục ngoài, kiểm tra vùng mu, âm vật và tầng sinh môn… Nếu nghi ngờ có viêm nhiễm, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng lấy chút dịch âm đạo để thực hiện xét nghiệm.

 

 

4. Bác sĩ sẽ tư vấn dựa vào kết quả xét nghiệm bạn đã thực hiện, kê đơn thuốc (nếu có) và hướng dẫn dặn dò những điều cần làm để việc điều trị đạt hiệu quả cao.

 

 

 

 

 

Trước khi khám phụ khoa có cần phải chuẩn bị gì không? 

 

Câu trả lời là có. Kết quả khám phụ khoa có chính xác hay không cũng phụ thuộc phần lớn vào việc được chuẩn bị trước khi đi khám, bạn lưu ý một số điều sau:

 

  • Nên đợi sạch kinh sau khoảng 3 ngày rồi mới đi khám;
  • Tuyệt đối không dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ trong vòng 3 ngày trước khi đi khám;
  • Giữ tâm lý thoải mái và mặc quần áo rộng rãi để thuận lợi cho việc thăm khám.  

 

 

 

Các dấu hiệu “cảnh báo” bệnh lý phụ khoa thường gặp 

 

Chưa lập gia đình hoặc chưa có quan hệ tình dục không có nghĩa là không có bệnh hoặc không mắc phải các bệnh lý phụ khoa nghiêm trọng. Đây là quan niệm sai lầm phổ biến của nhiều chị em gái. Vì thực tế nguy cơ mắc phải các bệnh lý phụ khoa là như nhau. Có nhiều bệnh lý nguy hiểm nhưng các dấu hiệu lại rất mờ nhạt, khó nhận biết nên thường dễ bị bỏ qua. 

 

Các chị em gái nên đi khám ngay nếu nhận thấy có một trong số các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sau:

  • Khí hư ra nhiều, có mùi hôi khó chịu và có màu sắc khác lạ như vàng, xanh…
  • Ngứa vùng kín, có thể kèm hoặc không kèm đau rát;
  • Đau tức vùng bụng dưới, đau bụng dữ dội trong kỳ kinh nguyệt hoặc đau kéo dài;
  • Xuất huyết âm đạo bất thường;
  • Rối loạn kinh nguyệt, chu kỳ kinh nguyệt không đều và không ổn định;
  • Đau lưng, tiểu buốt, tiểu dắt, số lần đi tiểu ít hoặc nhiều hơn bình thường.

 

 

Chi phí khám phụ khoa tại Bệnh viện An Sinh

 

Phí khám phụ khoa tại Bệnh viện An Sinh là 200.000 đồng cho 1 lần khám (phí khám có thể thay đổi cho phù hợp với thời điểm hiện tại)

 

Nếu phát hiện có các dấu hiệu nghi ngờ, cần phải thực hiện một số xét nghiệm tầm soát như: soi tươi dịch âm đạo, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu… Tùy vào các xét nghiệm thực hiện mà chi phí sẽ khác nhau.



 

Bệnh viện An Sinh


 

Nguồn tin từ: Bệnh viện An Sinh