Tin tức và sự kiện

Bài báo khoa học nào được tra cứu nhiều nhất trong năm 2017?

Cập nhật lúc: 9:05:45 SA - 29/12/2017

Hằng năm, công ty phân tích Altmetric có trụ sở tại London đều công bố bảng xếp hạng "100 bài báo nghiên cứu khoa học nổi trội nhất trong năm". Và bài báo nào đứng đầu bảng xếp hạng năm nay?



Nhờ vào sự phát triển của Internet, ngày càng có nhiều người tham gia vào nghiên cứu khoa học. Không chỉ dừng lại ở việc đọc các bài báo khoa học, công chúng còn tìm hiểu cả những bài nghiên cứu khoa học được công bố nữa. Hằng năm, công ty phân tích Altmetric có trụ sở tại London đều phân tích dữ liệu và công bố bảng xếp hạng "100 bài báo nghiên cứu khoa học nổi trội nhất trong năm".

 

Thay vì chỉ nhìn vào các nghiên cứu trong bối cảnh học thuật, Altmetric mở rộng phạm vi danh sách, xem xét cả mức thu hút của các bài nghiên cứu trực tuyến. Kết quả tổng hợp được sẽ mô tả những sự kiện được công chúng đặc biệt chú ý.

 

"Chúng tôi theo dõi những gì mọi người bàn tán về các bài viết học thuật trên mạng xã hội, trong tin tức, trên blog, Wikipedia và nhiều nguồn khác. Từ đó chúng tôi cho điểm mỗi bài gọi là "điểm chú ý của Altmetric", công ty Altmetric tuyên bố.

 

Sau khi lọc ra các ý kiến và bài phê bình được thu thập từ ngày 15/11/2016 đến 15/11/2017, Altmetric đã công bố danh sách 10 bài nghiên cứu hàng đầu sau đây (xếp theo thứ tự từ 1 - 10):

 

 

1. Mối liên hệ giữa lượng tiêu thụ chất béo và carbohydrate với bệnh tim và tử vong tại 18 quốc gia từ 5 châu lục

 

Đứng đầu trong bảng xếp hạng "100 bài báo nghiên cứu nổi trội nhất trong năm" là bài nghiên cứu về mối quan hệ giữa việc giảm lượng tiêu thụ chất béo và bệnh tim mạch được đăng tải trên The Lancet. Nghiên cứu này so sánh chế độ ăn uống của 135.000 người từ 18 quốc gia: một nửa trong số họ ăn low-carb và nửa còn lại ăn kiêng chất béo. Kết quả khá bất ngờ.

 

Những ai đang tuân theo chế độ ăn kiêng chất béo phải đối mặt với nguy cơ tử vong vì nhiều nguyên nhân cao hơn. Họ cũng có khả năng bị bệnh tim hoặc nhồi máu cơ tim.

 

Ngược lại, những người có chế độ ăn ít carbohydrate có nguy cơ thấp hơn đáng kể cho cả hai tình trạng sức khỏe này. Các nhà nghiên cứu cho biết: "Những bằng chứng ủng hộ chế độ ăn ít béo là rất mong manh, trong khi bằng chứng về lợi ích của một số chất béo nhất định thì đang tăng lên", chính vì thế, "hướng dẫn chế độ ăn kiêng trên toàn cầu nên được xem xét lại dựa trên những phát hiện mới này”.

 

 

2. Các vấn đề về sức khoẻ tâm lý ở sinh viên bậc tiến sĩ

 

Xếp vị trí thứ 2 là nghiên cứu được xuất bản trong Research Policy vào tháng 5 vừa qua, đã thu hút nhiều sự chú ý đối với một xu hướng đáng báo động: Những người cố gắng đạt được mức độ học vấn cao nhất thường gặp phải tình trạng tâm lý nặng nề.

 

Nghiên cứu được tiến hành với các sinh viên nghiên cứu sinh của Bỉ. Theo đó, 32% trong số họ có nguy cơ bị mắc chứng rối loạn về tâm thần - đặc biệt là chứng trầm cảm.

 

Nghiên cứu kết luận: "Tỷ lệ mắc các vấn đề về tâm lý ở các nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ cao hơn so với dân số có trình độ học vấn phổ thông, nhân viên có trình độ học vấn và sinh viên đại học."

 

3. So sánh tỷ lệ tử vong và tái nhập viện đối với các bệnh nhân được điều trị bởi bác sĩ nam và bác sĩ nữ

 

Được xuất bản trong JAMA Internal Medicine, nghiên cứu này đã tìm ra mối tương quan không mấy mong đợi: những bệnh nhân lớn tuổi được điều trị bởi nữ bác sĩ có tỉ lệ tử vong thấp hơn so với những bệnh nhân do bác sĩ nam điều trị.

 

Ngoài ra, tỉ lệ tái nhập viện của các bệnh nhân do bác sỹ nữ điều trị cũng thấp hơn nhiều. Dù nghiên cứu này không nói rõ nguyên nhân đằng sau sự khác biệt này, nhưng theo các nghiên cứu trước đó thì phụ nữ nhìn chung thực hiện các thao tác xét nghiệm y tế và kỹ năng chăm sóc chuẩn mực hơn đồng thời sự giao tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân cũng tốt hơn so với các đồng nghiệp nam giới.

 

 

4. Chỉnh sửa đột biến gen gây bệnh trong phôi thai

 

Kết quả nghiên cứu này đã rò rỉ trên các phương tiện truyền thông trước khi xuất bản trên tạp chí Nature. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học thành công trong việc chỉnh sửa gen trong bào thai người.

 

Các nhà khoa học đã cấy gen CRISPR-Cas9 vào để nó phá chuỗi MYBPC3 gây bệnh tim bẩm sinh. Sau khi can thiệp, hơn 42 trong số 58 phôi trên hoàn toàn không có đột biến gây bệnh tim (chiếm tỉ lệ 72%). Tuy nhiên, chỉnh sửa gen vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi vì con người có thể thông qua đó để tạo ra những đứa trẻ "theo khuôn mẫu" với những đặc điểm cụ thể như tóc vàng, giỏi thể thao, thậm chí là thông minh hơn người.

 

 

5. Giới tính không ảnh hưởng đến mức độ thông minh

 

Nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Science vào tháng 1 năm nay. Từ lâu, người ta thường cho rằng, các bé gái, đặc biệt là những bé dưới 6 tuổi thường thông minh hơn so với các bé trai. Tuy nhiên, khi lớn lên thì trí tuệ của họ kém hơn so với đàn ông. Ý niệm này có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự lựa chọn giáo dục của nữ giới.

 

Chính vì thế, không mấy mấy ngạc nhiên khi bài báo này lọt vào tốp 5 các bài nghiên cứu nổi trội vì nó có tác động cực kỳ lớn đến xã hội. Tác giả nghiên cứu Andrei Cimpian cho biết: "Niềm tin này xuất hiện trên trẻ nhỏ có thể là cội nguồn khiến phụ nữ bị loại ra khỏi những ngành nghề danh giá nhất trong xã hội."

 

 

6. Tổng số côn trùng bay tại các khu vực được bảo vệ giảm hơn 75% trong vòng 27 năm

 

Nói cách khác, những con côn trùng bay dường như đang tuyệt chủng nhanh hơn gấp nhiều lần nhiều so với chúng ta đã từng nghĩ. Đây là một vấn đề đáng lo ngại.

 

Các nhà nghiên cứu của Đức đã tiến hành nghiên cứu và điều tra các khu bảo tồn thiên nhiên trên toàn quốc. Họ sử dụng bẫy dính để thu thập côn trùng tại 63 khu bảo tồn thiên nhiên, sau đó đo sinh khối, ghi lại thay đổi theo thời gian. Kết quả cho thấy, mức độ đa dạng sinh học trong khu bảo tồn thiên nhiên đang suy giảm một cách nghiêm trọng theo thời gian.

 

Nghiên cứu được công bố trên Plos One vào tháng 10 vừa qua đã chỉ ra rằng, trong 27 năm qua mức giảm trung bình là 76%, cao nhất đến 82% và thường thấp nhất là vào giai đoạn hè. Nếu tính trong vòng 30 năm trở lại đây số lượng côn trùng đã giảm đến 80%.

 

 

7. Xu hướng thế giới về chỉ số khối cơ thể từ năm 1975 đến năm 2016

 

Nghiên cứu này tập trung xem xét chỉ số khối cơ thể (BMI) và bệnh béo phì thay đổi như thế nào trong giai đoạn từ năm 1975-2016. Theo đó, nghiên cứu phân tích các chỉ số cân nặng và chiều cao của gần 130 triệu người từ 5 tuổi trở lên, bao gồm 31,5 triệu người từ 5-19 tuổi, và 97,4 triệu người trên 20 tuổi.

 

Kết quả cho thấy, số trẻ em và thanh thiếu niên béo phì trên thế giới đã tăng gấp 10 lần trong 40 năm qua, trở thành vấn đề sức khỏe toàn cầu và có nguy cơ trầm trọng hơn nếu các nước không áp dụng các biện pháp quyết liệt.

 

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đại học Hoàng gia London công bố trên tạp chí y khoa The Lancet nhân Ngày thế giới chống béo phì 11/10 năm nay. 

 

 

8. Tìm thấy lông đuôi khủng long trong khối hổ phách thời kì giữa kỉ phấn trắng

 

Mặc dù, đây không phải là lần đầu tiên chúng ta tìm thấy một chiếc lông vũ bị mắc kẹt trong hổ phách, song đây là lần đầu tiên các nhà khoa học có thể tìm ra mối liên kết giữa nó với một con khủng long. Phát hiện này thúc đẩy sự hiểu biết của con người về các sinh vật hóa thạch được tìm thấy lâu nay.

 

Xuất bản trên tờ Current Biology, bài báo xuất hiện cùng với đầy đủ những bức hình cậnh cảnh lông đuôi đã gây ra nhiều sự tò mò. Đây chắc chắn là một trong những điểm nhấn vào tháng 12/2016 của Current Biology.

 

 

9. Thành công của Vắc-xin rVSV trong phòng bệnh Ebola

 

Nghiên cứu này được xuất bản trên tờ The Lancet vào cuối năm ngoái. Đây là thành tựu của một nhóm các nhà khoa học quốc tế. Theo đó, trong số gần 6.000 cá nhân được tiêm chủng rVSV-ZEBOV ở Guinea không ai cho thấy dấu hiệu mắc bệnh.

 

Mặc dù tiêu đề bài báo không đề cập tới việc cuối cùng loài người đã tạo ra được vắc xin chống Ebola có hiệu quả lên tới 100%, nhưng bà Marie-Paule Kieny, trợ lý Tổng giám đốc WHO đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, khẳng định: "Khi dịch bệnh bùng phát lần tới, chúng ta sẽ có thể chủ động tự vệ."

 


10. Chế tạo thành công tử cung nhân tạo nuôi dưỡng bào thai cừu

 

Được xuất bản trong tạp chí Nature Communications, đây là câu chuyện về một chú cừu con được sinh ra trong túi nhựa. Chiếc túi giống như một tử cung nhân tạo giúp giúp những con cừu sinh non phát triển dường như bình thường, mở ra bước đột phá lớn trong nghiên cứu y học.

 

Bên trong những chiếc túi nhựa chứa đầy chất lỏng là 8 con cừu sinh non đang phát triển liên tục giống như trong bụng mẹ. Hơn 4 tuần, những bào thai này đã có phổi, não, các cơ quan trong và ngoài cơ thể. Thậm chí, chúng có thể cử động, mở mắt hay nuốt nước ối.

 

Công nghệ tuyệt vời này một ngày nào đó có thể cứu sống sinh mạng của những đứa trẻ sinh non, vì vậy nó rất đáng chú ý.

 

 

N.H (Sciencealert)