Tin tức và sự kiện

Những triệu chứng bệnh ở trẻ mẹ không thể xem nhẹ

Cập nhật lúc: 2:55:53 CH - 09/10/2017

Có rất nhiều bệnh ở trẻ chỉ thoáng qua và bạn hoàn toàn không cần lo lắng vì bé sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, những triệu chứng dưới đây là dấu hiệu không thể bỏ qua mà bạn cần cực kỳ cẩn thận khi chăm bé.


Ảnh minh họa

SỐT CAO

Những cơn sốt đạt 38 độ ở trẻ dưới 3 tháng tuổi, 38.3 độ ở trẻ 3-6 tháng, trên 39.4 độ ở trẻ 6 tháng tới 2 tuổi.

 

Các bác sĩ nhi khoa đã nhấn mạnh rằng, những con số hiển thị trên cặp nhiệt độ không quan trọng bằng thái độ và hành động của con, nếu trẻ vẫn sinh hoạt như bình thường và không cảm thấy quá mệt mỏi, cáu gắt.

Tuy nhiên điều trên chỉ đúng khi trẻ đã trên 2 tuổi, với những trẻ nhỏ hơn, chúng ta không thể biết được trẻ bị sốt chỉ vì cảm lạnh thông thường hay do một loại virus nào gây nên.

Nếu dính virus, hệ miễn dịch của trẻ còn quá yếu và không thể ngăn cản virus lây ra toàn thân, gây nguy hiểm cho trẻ. Vậy nên, để đảm bảo an toàn, khi trẻ sốt quá cao hãy đem trẻ đến trung tâm y tế gần nhất.

 

SỐT LÂU KHÔNG KHỎI

Những cơn sốt không có dấu hiệu thuyên giảm dù đã được chăm sóc tốt, hoặc những cơn sốt kéo dài 5 ngày trở lên.

 

Nếu bạn đã cho con uống thuốc hạ sốt và chườm khăn nóng để thoát nhiệt, nhưng sau 6 tiếng trẻ vẫn không hạ sốt, hãy đưa trẻ đi khám. Đây là dấu hiệu cho thấy trận ốm này quá nặng và trẻ không thể tự mình chống chọi được.

Ngoài ra, những trận ốm thông thường như cảm lạnh hay cúm thường sẽ khỏi sau 5 ngày. Nếu cơn sốt của trẻ kéo dài lâu hơn, cho dù chỉ ở nhiệt độ không quá cao, đó có thể là dấu hiệu của viêm phổi, cần điều trị kháng sinh.

 

SỐT KÈM THEO ĐAU ĐẦU

Nếu trẻ bị sốt kèm theo đau nhức đầu, cứng cổ khó xoay hay phát ban đỏ, lập tức đưa trẻ đi viện. Đó có thể là dấu hiệu của viêm màng não và cần được chú ý theo dõi.


PHÁT BAN

Những nốt ban có hình tròn, không biến mất khi ấn tay lên da hoặc để lại những vệt thâm tím.

 

Hãy đưa bé đến bác sĩ ngay nếu thấy những vết ban trên da có kích cỡ giống đầu kim. Đây là triệu chứng của bệnh Lyme, một chứng bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.

Nếu những vết thâm tím không rõ nguyên nhân lan rộng trên da, đó có thể là triệu chứng của rối loạn máu. Còn những vết ban kèm theo ngứa là do trẻ bị dị ứng.

 

NỐT RUỒI BẤT THƯỜNG

Những nốt ruồi mới mọc lên hoặc có sự thay đổi.

 

Hãy chú ý đến những nốt ruồi của trẻ, nhất là những vết có từ khi mới sinh, vì chúng có nguy cơ cao hơn gây nên các bệnh ác tính.

Khi tắm cho bé, bạn nên để ý kiểm tra 1-2 lần mỗi tháng và báo ngay cho bác sĩ nếu thấy có những nốt ruồi với hình thù kì lạ, lồi lên trên da, có nhiều hơn 1 màu hoặc ngày càng phát triển. Tất cả chúng đều có thể là dấu hiệu của ung thư da.


ĐAU BỤNG BẤT CHỢT

Những cơn đau ở bụng dưới bên phải, hoặc đau quặn lên từng cơn đột ngột.

 

Nếu con bị đau ở bụng dưới bên phải, hãy bảo bé thử nhảy lên, nếu trẻ không thể làm được vì quá đau, đó có thể là dấu hiệu của viêm ruột thừa.

Mặc dù ruột thừa nằm ở bụng dưới bên phải, nhưng cơn đau thường bắt đầu từ giữa rốn rồi mới dịch chuyển dần sang bên phải.

Nếu trẻ bị đau bụng do virus, đầu tiên bé sẽ bị sốt, nôn mửa, sau đó mới đau bụng và tiêu chảy. Nếu bị đau ruột thừa, trẻ sẽ bị tiêu chảy và đau bụng, sau đó nôn mửa và sốt. Nếu thấy những dấu hiệu này, bé nên được đưa ngay tới bệnh viện.

Nếu bé nhỏ hơn 4 tuổi và bị đau quặng bụng thành từng cơn rồi lại hết ngay, lặp lại liên tục, đó là dấu hiệu bị lồng ruột. Cơn đau thường kéo dài 20-60 phút, có thể kèm theo nôn mửa, sốt, đi cầu ra máu.

 

ĐAU ĐẦU KÈM NÔN MỬA

Cơn đau thường xuất hiện vào sáng sớm, thậm chí khiến bé tỉnh giấc giữa đêm và thường đi kèm nôn mửa.

 

Đây là dấu hiệu của chứng đau nửa đầu. Chứng bệnh này ở trẻ em không nguy hiểm và thường là do di truyền. Tuy nhiên, đau đầu nửa đêm về sáng cũng có thể là dấu hiệu của những bệnh khác, nên đưa bé tới bác sĩ để được chuẩn đoán chính xác hơn.


MẤT NƯỚC

Môi khô miệng khô, thóp phẳng xuống (với những bé còn chưa liền thóp), da khô hoặc không đàn hồi khi nhấn xuống, nôn và tiêu chảy liên tục.

 

Khi trẻ có những dấu hiệu này cần lập tức đưa trẻ vào viện vì thiếu nước quá nhiều có thể khiến trẻ bị shock.

 

MÔI THÂM TÍM

Môi thâm tím, nhợt nhạt, thở gấp, thở khó, thở khò khè.

 

Nếu trẻ thở khò khè với âm thanh phát ra từ vùng ngực và phổi thay vì mũi thì bé đang gặp vấn đề đáng lo ngại về hô hấp. Các vấn đề về hô hấp thường do nghẽn đường thở, hen (khi trẻ được vài tháng tuổi), viêm phổi hay viêm phế quản.

Nếu không chắc chắn, bạn nên kiểm tra nhịp thở của trẻ để phát hiện kịp thời. Đếm số nhịp thở trong 1 phút, trung bình trẻ mới sinh thở ít hơn 60 lần/phút, trẻ dưới 1 tuổi thởi ít hơn 40 lần/phút, trẻ 1-3 tuổi thở ít hơn 30 lần/phút và trẻ 4-10 tuổi thở ít hơn 24 lần/phút.


CHẢY QUÁ NHIỀU MÁU

Trẻ bị vết thương lớn hơn 1 miếng urgo, hoặc trẻ chảy máu liên tục trong vài phút dù đã được sơ cứu.

 

Nếu vết thương của trẻ chảy nhiều máu dù đã được dán bông băng và ấn chặt để cầm máu, hãy đưa trẻ tới bác sĩ để được trợ giúp. Khi trẻ bị cắn bởi bạn khác hoặc bởi 1 con vật, nếu vết thương gây rách da chảy máu, lập tức rửa sạch và sát trùng vết thương rồi đưa trẻ đi tiêm phòng nếu cần thiết.

 

Theo Parents | Nguồn: Khám phá Online